Thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó
Đồng chí Trần Văn Tiến, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Sở Nội vụ cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có nhiều điều chỉnh, bổ sung về nguyên tắc xét thi đua, khen thưởng và nguyên tắc khen thưởng; mở rộng đối tượng khen thưởng, bổ sung hình thức khen thưởng và cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong công tác thi đua, khen thưởng... Trong đó, thay đổi quan trọng nhất là bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua. Căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua từ nay sẽ bao gồm: Phong trào thi đua; Thành tích thi đua; Tiêu chuẩn danh hiệu thi đua.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích trong xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Luật đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến). Luật đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác thi đua, khen thưởng; hoàn chỉnh các loại hình khen thưởng và hệ thống tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng phù hợp theo nguyên tắc “Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”, “Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, hạn chế tối đa tình trạng “tích lũy, cộng dồn thành tích trong khen thưởng”, hạn chế trùng lặp, chồng chéo trong khen thưởng.
Để Luật Thi đua khen thưởng sớm phát huy hiệu quả, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 31/2023/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 ban hành Quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Quyết định cụ thể hóa các điều, khoản tại Luật Thi đua, khen thưởng giao cho UBND tỉnh quy định chi tiết về tiêu chuẩn, đối tượng tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền. Tuyên Quang được Bộ Nội vụ đánh giá là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước sớm ban hành Quy định mới phù hợp với Luật để đưa vào thực hiện. Hội đồng giáo dục phổ biến pháp luật tỉnh đã xây dựng đề cương giới thiệu Luật Thi đua, khen thưởng, tổ chức Hội nghị quán triệt đến các báo cáo viên cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về công tác thi đua khen thưởng. Chính vì vậy việc áp dụng Luật Thi đua, khen thưởng ngay từ đầu năm đến nay đã được triển khai đồng bộ tới tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Thêm động lực cho các phong trào thi đua
Ngay từ đầu năm các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức phát động và triển khai một cách phong phú, sôi nổi, thiết thực, rộng khắp, hướng vào việc thực hiện các nhiệm vụ khó, trọng tâm, cấp bách, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí”... Phong trào “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà đột nát trong năm 2024”, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã làm mới, sửa chữa 589 nhà cho hộ nghèo.
Các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh; đồng thời, thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công và dịch vụ công, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Qua các phong trào thi đua đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục có những bước phát triển mạnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,84% so với cùng kỳ năm 2023 (xếp thứ 09/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 02/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ).
Công tác khen thưởng đã có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên, việc khen thưởng thành tích công trạng, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề được áp dụng ở tất cả các cấp, các ngành, đối tượng được khen thưởng rộng hơn, công tác khen thưởng đã bao quát được các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc bình xét khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, công tác được thực hiện chặt chẽ, nền nếp, công khai, dân chủ, gắn với kết quả phong trào thi đua.
5 tháng đầu năm 2024, đã có 841 tập thể, cá nhân được khen thưởng, vinh danh. Trong đó, Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho 1 “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” cho 12 cá nhân. Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho 21 tập thể; Tập thể lao động xuất sắc cho 69 tập thể; Bằng khen cho 258 tập thể, 459 cá nhân có thành tích trong các phong trào thi đua thường xuyên, chuyên đề, đột xuất; công nhận điển hình tiên tiến tỉnh Tuyên Quang năm 2023 đối với 10 tập thể, 11 cá nhân.
Đồng chí Trần Văn Tiến, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng cho biết thêm, bên cạnh những thuận lợi thì trong quá trình thực hiện Luật bước đầu vẫn còn vướng mắc về cách hiểu đối với tiêu chuẩn của Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đối với cá nhân, dẫn đến việc thẩm định ở cấp tỉnh rất khó khăn, kéo dài thời gian; một số quy định về thủ tục hành chính tặng thưởng Bằng khen còn có cách hiểu khác so với quy định. Đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành Cẩm nang hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng để thống nhất áp dụng trong toàn quốc; Bộ Nội vụ hướng dẫn thêm về quy định thủ tục hành chính để thực hiện thuận lợi ở cấp tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết