Tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh, dự hội nghị có các đồng chí: Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Sáng Vang, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung tâm hội nghị tỉnh. Ảnh: Thanh Phúc
Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến 173 điểm cầu các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các xã, phường, thị trấn với tổng số trên 15.000 đại biểu.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững
Truyền đạt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022, Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng lần thứ XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; nhất là tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới, hiện đại và thay đổi nhanh chóng cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới và có tác động rất phức tạp.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm hội nghị tỉnh. Ảnh: Thanh Phúc
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, CNH, HĐH là quá trình vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay và tương lai, không chỉ thuần túy phát triển công nghiệp mà đó là quá trình chuyển đổi căn bản về mặt sản xuất cũng như về mô hình tổ chức sản xuất của nền kinh tế. Điều quan trọng nữa là việc thực hiện CNH, HĐH dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nội dung này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu mới, thực tiễn mới đặt ra hiện nay. Qua đó, vừa khai thác tốt những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện CNH, HĐH thời gian qua, đồng thời cũng khai thác được những lợi thế của nền kinh tế đi sau, nền kinh tế của một quốc gia đang có lực lượng dân số vàng... Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số sẽ là phương thức mới để đi tắt đón đầu, đẩy nhanh tiến độ, là một nền tảng rất quan trọng đảm bảo cho sự thành công của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
Về "Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ những nguyên tắc, quan điểm quan trọng trong việc xây dựng Quy hoạch đó là: Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức khoa học, thống nhất trên cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng trên cơ sở 6 vùng kinh tế - xã hội và khai thác lợi thế của từng địa phương trong vùng và toàn vùng; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, phát triển có trọng tâm vào địa bàn có điều kiện thuận lợi về địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực và các lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; quy hoạch tổng thể quốc gia phải bảo đảm tính khả thi, tính kết nối cho các giai đoạn tiếp theo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nền kinh tế...
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm hội nghị tỉnh. Ảnh: Thanh Phúc
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã xem xét nhiều vấn đề quan trọng, định hướng cơ bản trên các lĩnh vực của Đảng, đất nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Đồng chí đề nghị các cơ sở Đảng tiếp tục quán triệt 2 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị. Các cơ sở đảng cần tiếp tục quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả; công tác tuyên truyền Nghị quyết phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, phong phú, sinh động. Cùng với đó, việc triển khai các nghị quyết, kết luận của Hội nghị cần được thực hiện có lộ trình, phù hợp với thực tế, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời cụ thể hóa nội dung nghị quyết thành chương trình đề án cụ thể, có phân công phân nhiệm rõ ràng, đảm bảo theo nguyên tắc: Chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đồng thời phát hiện các mô hình hay, cách làm tốt để nhân rộng. Ngay sau hội nghị, các tổ chức cơ sở Đảng cần nhanh chóng tạo sự đồng thuận, đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực mà nghị quyết, kết luận đề cập.
Gửi phản hồi
In bài viết