Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Thông tư được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.
Dự thảo quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP về việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; quy trình đăng ký hộ tịch trực tuyến; xác nhận thông tin hộ tịch; ban hành, hướng dẫn sử dụng, quản lý giấy tờ hộ tịch điện tử.
Trong đó, dự thảo quy định cụ thể hơn về việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương và việc tiếp nhận yêu cầu điện tử đăng ký hộ tịch từ Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ tại các Cơ quan đăng ký hộ tịch để xử lý trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung được thực hiện thông qua kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống một cửa điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hệ thống một cửa điện tử của Bộ Ngoại giao với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định về việc xác định thông tin trong quá trình chia sẻ, kết nối giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và các Cơ sở dữ liệu khác, nhất là trong trường hợp thông tin có sự không thống nhất.
Các thủ tục đăng ký hộ tịch được thực hiện ở mức độ 3, 4
Nghị định số 87/2020/NĐ-CP mới chỉ quy định chung về nguyên tắc, cách thức chung thực hiện tất cả các thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến. Trong khi đó, quy trình đăng ký hộ tịch trực tuyến đối với một số thủ tục/nhóm thủ tục, cách thức tiếp nhận hồ sơ/trả kết quả theo phương thức này cần được hướng dẫn thực hiện chi tiết hơn, trong đó có quy trình thực hiện trực tuyến đối với 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông: Đăng ký khai sinh - cấp Thẻ BHYT - đăng ký thường trú và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - chế độ mai táng phí. Do vậy, dự thảo Thông tư đã hướng dẫn cụ thể.
Tại Điều 5 dự thảo Thông tư quy định các thủ tục đăng ký hộ tịch được thực hiện ở mức độ 3 và mức độ 4, theo đó sẽ thực hiện đăng ký trực tuyến mức độ 3 đối với tất cả các việc hộ tịch, đăng ký trực tuyến mức độ 4 đối với các việc: cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; ghi vào sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch theo hình thức phù hợp với mức độ triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hộ tịch tại địa phương.
Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên trang Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Gửi phản hồi
In bài viết