Tết của người Dao tiền Hồng Thái

- Chúng tôi đến xã Hồng Thái (Na Hang) những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Mùa này không nắng, mây trắng xóa, bồng bềnh ôm trọn bản Mông, bản Dao. Người Dao nơi đây đang hồ hởi trước thềm xuân mới với cuộc sống ấm no hơn...

Người Dao tiền ở Hồng Thái tập trung ở các thôn: Khâu Tràng, Nà Mụ, Pắc Khoang, Nà Kiếm, Bản Muông. Những ngày cuối năm, chị Đặng Thị Kiều, dân tộc Dao Tiền, thôn Khâu Tràng tất bật nấu rượu để phục vụ cho dịp Tết. Bấy lâu nay, chị Kiều vốn có tiếng là nấu rượu men lá ngon nên cận Tết rất đắt hàng. Chị kể, vốn sinh ra và lớn lên ở nơi này, ngay từ khi chỉ mười mấy tuổi, chị đã biết làm men lá, nấu rượu rồi. Thậm chí, chị còn biết nhuộm vải, may áo, thêu thùa. Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp tết, nào rượu, nào thịt lợn, thịt gà, nào bánh chưng, bánh ngọt... chị phải chuẩn bị nhiều hơn bởi ngay từ bữa cơm tất niên cho đến hết tết, bà con trong họ về tề tựu đông vui lắm.


Phụ nữ thôn Pắc Khoang gìn giữ nghề thêu truyền thống trong mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Người Dao nơi đây không có tập tục tiễn ông Công ông Táo chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp. Từ ngày 24-12 âm lịch trở đi, các gia đình chọn ngày đẹp làm lễ tất niên. Các chàng trai cường tráng, khỏe mạnh hò nhau mổ lợn, lấy thịt làm bánh chưng hay làm món thịt treo gác bếp, thịt chua. Phụ nữ người Dao đảm nhiệm gói bánh chưng, làm bánh mật. Đây là hai loại bánh không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên đán. Người Dao tiền không gói bánh chưng vuông hay bánh chưng dài mà gói bánh chưng gù. Bánh mật được làm từ bột gạo nếp nghiền nhỏ trộn với mật mía, nhân bánh được làm từ vừng, lạc, đỗ xanh, dừa, bánh gói bằng lá chuối tây cho lên đồ đến khi chín thì vớt ra rổ, để ráo nước. Nhiều năm trở lại đây, người Dao tiền làm thêm món bánh chuối làm phong phú thêm ẩm thực ngày tết. Chuối tây được bà con phơi khô, đồ chín, trộn bột nếp và giã tay. Những món ăn truyền thống sẽ được dâng lên tổ tiên để tỏ lòng biết ơn trời đất, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gió hòa, con cháu khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi.

Ngày 30 Tết, các thành viên trong gia đình dậy thật sớm để trang hoàng nhà cửa. Người đàn ông gỡ bỏ giấy đỏ cũ, lau dọn bàn thờ tổ tiên, dán giấy đỏ mới lên bàn thờ. Những tờ giấy đỏ năm cũ sau khi gỡ ra sẽ được đem đốt để xóa đi những điều không may mắn trong năm cũ... Không chỉ dán giấy đỏ lên bàn thờ, người Dao tiền còn dán giấy đỏ lên cây to quanh nhà, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm với ý nghĩa đánh thức đồ vật bừng dậy sau một mùa đông lạnh lẽo. Màu đỏ không chỉ là biểu tượng của sự may mắn, bình yên mà còn tượng trưng cho khí dương, ánh nắng mặt trời.

Anh Lý Văn Kinh, thôn Khâu Tràng cho biết, anh là người Dao tiền ở xã Cao Thượng, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) nhưng làm rể ở Hồng Thái. Theo anh Kinh, chặt, đốn, bổ củi vào đầu năm mới là điều tối kỵ đối với người Dao tiền nơi đây. Bởi dùng dao, rìu để chặt, đốn dường như mang lại sự chết chóc, xui xẻo. Ngay từ tháng cuối năm, người đàn ông trong gia đình phải chuẩn bị số lượng củi đun đủ trong suốt những ngày Tết. Vào sáng mùng một đầu năm, các thành viên trong gia đình dậy thật sớm, đun một nồi nước nóng rồi bỏ vòng bạc vào đó để cho mọi người trong gia đình rửa mặt. Điều này thể hiện việc sẽ đem lại bình an, may mắn cho mọi người trong nhà cho cả năm đó.

Gia đình người Trưởng họ được ví như “linh hồn”, sợi dây gắn kết các gia đình trong dòng tộc. Trong ngày 30 Tết, gia đình người Trưởng họ làm một mâm lễ cúng tổ tiên. Trưởng họ có thể mời thầy về cúng, nếu tự cúng chỉ cần bày mâm cơm thắp hương lên bàn thờ trình báo với tổ tiên. Sau lễ cúng, từ nhà Trưởng họ sẽ đánh hồi trống báo hiệu cho các gia đình trong dòng họ đến tụ tập, vui chơi. Từ tối đến qua đêm giao thừa, tại đây, người nam nhảy múa cầu mùa, người phụ nữ thêu thùa, khâu vá, hát Páo dung... Từ ngày 30 Tết cho đến ngày đi thắp hương miếu làng đầu năm (mồng 4 - 6 âm lịch), mỗi ngày, mỗi nhà đều làm cơm cúng gia tiên. Bên cạnh nén hương thắp trên bàn thờ, hương còn được cài vào cánh cửa nhà, chuồng gia súc. 

Ông Triệu Văn Tá, thôn Pắc Khoang bày tỏ, đi thắp hương miếu làng là tập tục không thể thiếu trong văn hóa tâm linh của người Dao tiền Hồng Thái. Những ngày cuối tháng Chạp, người dân quét dọn xung quanh miếu làng sạch sẽ. Chủ miếu chọn ngày đẹp để thông báo cho bà con góp lễ lên thắp hương, tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho một năm suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió. Đầu năm mới, thường từ ngày 4 - 6 tháng Giêng, sau khi được thông báo ngày đẹp, mỗi gia đình người Dao tiền sắm sửa lễ vật lên miếu làng thắp hương. 

Thêm một mùa xuân mới lại về, người Dao tiền Hồng Thái khát khao về một cuộc sống tốt đẹp hơn, tự hào về nét văn hóa độc đáo ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình đã được gìn giữ qua bao đời nay.

Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục