Đưa hàng Tết lên vùng cao

- Tết Tân Sửu 2021 đã cận kề. Vào thời điểm này, sức mua hàng của người dân bắt đầu tăng cao. Các đại lý, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn các huyện đã nhập đầy đủ các mặt hàng với số lượng lớn hơn so với những tháng trước. Do vậy, không có hiện tượng khan hiếm hàng, sốt giá, nhất là ở các huyện vùng cao.

Tại các đại lý bán hàng tạp hóa huyện Lâm Bình, lượng hàng hóa được nhập về đều tăng 2-3 lần so với tháng trước. Chị Ninh Thị Trang, chủ cửa hàng tạp hóa tự chọn tại thôn Nà Khà, xã Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, đến khoảng 27 tháng Chạp hàng năm, sức mua sẽ tăng gấp 10 lần so với ngày thường. Thế nhưng năm nay, ngay từ tháng 11 Âm lịch, gia đình đã nhập đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết. Đến thời điểm này, tổng giá trị hàng hóa gia đình nhập về vào khoảng gần 1 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với tháng trước.


Cửa hàng tạp hóa của hộ chị Ninh Thị Trang, thôn Nà Khà, xã Lăng Can (Lâm Bình)
đầy đủ hàng hóa phục vụ Tết.

Tại những xã vùng sâu, vùng xa như xã Phúc Yên (Lâm Bình) hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán được bày bán đầy đủ phục vụ nhu cầu người dân. Chị Lý Thị Dẩu, thôn Khau Cau, xã Phúc Yên cho biết, nhờ đường xá được đầu tư xây dựng, việc đi lại vận chuyển hàng hóa thuận lợi đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân trong dịp Tết. Năm nay tỉnh đưa điện lưới Quốc gia về thôn nên nhiều người mua sắm ti vi về xem Tết. Gia đình chị cũng mở cửa hàng tạp hóa đủ các mặt hàng phục vụ bà con mua sắm vui xuân đón Tết.

Tại các chợ vùng cao, nhiều loại mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cũng đã được các cơ sở kinh doanh tập kết đầy đủ, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Ngoài các đại lý, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, các cơ sở sản xuất một số mặt hàng như bánh gai, mỳ gạo, bánh chưng, giò chả, bún khô của huyện Chiêm Hóa, Na Hang... cũng đang tập trung toàn bộ nguồn nhân lực để tăng số lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con trong dịp Tết.  Chị Lưu Thị Hoàn, thôn Nà Ngà, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa), một hộ chuyên sản xuất bún khô cho biết, những tháng trước, gia đình chỉ sản xuất và bán được khoảng 200kg bún khô/tháng nhưng từ đầu tháng Chạp đến nay, số lượng khách đặt mua tăng cao, gia đình đã tập trung toàn bộ nhân lực để làm kịp hàng trả cho khách. Dự kiến, tháng này gia đình sẽ bán được 500kg bún khô, có cái Tết xôm hơn...

Chị Đặng Thị Mai, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chiêm Hóa cho biết, từ tháng 12-2020, phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng phương án đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán 2021. Trong đó, UBND huyện yêu cầu các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn trên cơ sở dự báo thị trường, nhu cầu hàng hóa dịp Tết và năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn để thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tuyên truyền nhân dân thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tính đến thời điểm này, các đại lý, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn huyện đã tập kết đầy đủ cả về số lượng và chất lượng các loại hàng hóa phục vụ cho nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đơn vị liên quan đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trong dịp Tết, tránh tình trạng hàng giả, kém chất lượng, hàng lậu xâm nhập vào thị trường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, góp phần mang Tết an vui, đầm ấm cho mỗi gia đình, làng bản.

Cao Huy

Tin cùng chuyên mục