Tết sớm trên đảo Trường Sa

- Khắc phục khó khăn, thiếu thốn nơi đảo xa, những người lính trên huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đã khiến chúng tôi bất ngờ bởi không khí Tết cổ truyền đầm ấm, thắm tình đồng đội.

Chuyến đi thăm, chúc Tết của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cùng các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương có nhiệm vụ mang lương thực, thực phẩm, quà Tết của người dân khắp mọi miền của Tổ quốc ra Trường Sa cho bộ đội đón Tết Nguyên đán. Dẫu đã được nghe rất nhiều câu chuyện xúc động về chuyện đón Tết của bộ đội trên đảo nhưng trên tất cả mới thấy sức chịu đựng trước sự khắc nghiệt, dữ dội của thiên nhiên và tinh thần lạc quan, yêu đời của những người lính đảo thực sự đáng khâm phục.


Chiến sĩ đảo Đá Tây trang trí cây mai để đón Tết.

Thiếu tá Dương Văn Đắc, Chính trị viên phó Hải đội 411, Lữ đoàn 955 hồ hởi chia sẻ: “Phải sống ở giữa biển khơi mới hiểu hết cái tình của bộ đội trên đảo với nhau. Trong khó khăn, chúng tôi không hề sờn lòng hay nao núng. Ngược lại, tình cảm giữa anh, em với nhau luôn bền chặt, keo sơn như người một nhà. Đón Tết cùng nhau cũng là lời động viên, nhắc nhở nhau vững tâm hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng do Tổ quốc giao phó.

Trên đảo Trường Sa (trước đây gọi là Trường Sa Lớn) thủ phủ của huyện đảo Trường Sa, những người lính trẻ vẫn tất bật, vô tư và vui vẻ chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Dù đã đầy đủ hơn, sung túc hơn nhờ sự quan tâm của đất liền, nhưng do khoảng cách quá xa, việc đi lại vất vả nên việc lo Tết trên đảo nhiều khi không thể chu toàn, đủ đầy như ở đất liền.

Thiếu tá Lê Quang Mạnh, Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa chia sẻ: “Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường tình đoàn kết quân dân trên đảo, chúng tôi còn tổ chức các trò chơi dân gian tập thể, như: Kéo co, nhảy bao bố, ném vòng cổ chai… thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tham gia. Dù thiếu vắng không khí gia đình, nhưng bù lại các chiến sĩ luôn có đồng đội kề vai sát cánh để vượt qua những thử thách khắc nghiệt nơi đầu sóng, ngọn gió”.

Chiến sĩ đảo Trường Sa đọc ấn phẩm báo Chào năm mới 2024, Báo Tuyên Quang.

Không khí đón Tết trên đảo Đá Tây trở nên ấm cúng, thân thiết hơn khi tiếng í ới gọi nhau mổ lợn, mổ gà, kê nồi đặt bếp đun bánh hay xếp lại mâm ngũ quả trên bàn thờ Tổ quốc, trang trí lại cành đào, cành mai rộn ràng ở khắp các cụm chiến đấu. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, những cây mai, cành đào được làm từ cành cây mù u, còn hoa được những người lính khéo tay cắt dán từ những túi ni lông bảo quản hay mảnh giấy màu được gửi từ đất liền ra. Chiến sĩ Đỗ Huy Tài, đang tỉ mỉ cắt giấy màu dán vào phông với dòng chữ “Chúc mừng năm mới - Xuân Giáp Thìn 2024” tâm sự: “Để làm được tấm phông này hay làm cành đào, cành mai, bọn em phải chuẩn bị nguyên liệu mấy ngày rồi mất cả tiếng đồng hồ tỉ mỉ cắt, dán từng chi tiết, gắn từng bông hoa lên cành mù u. Mặc dù không được đẹp, nhưng những cành đào, cành mai tự làm cũng đem lại không khí Tết cho lính đảo, giúp em bớt nhớ nhà hơn. Sau khi hoàn thành, những cành đào, cành mai tràn đầy sắc xuân được bày ở vị trí trang trọng nhất trong hội trường của nhà Đại Đoàn kết các dân tộc Việt Nam trên đảo”.

Trên đảo xa, bữa cơm tất niên được tổ chức sớm nhưng thật đầm ấm và gần gũi. Các món ăn truyền thống như dưa hành, nem cuốn, giò, chả, bát canh măng miến, mộc nhĩ... được các hộ dân sống trên đảo Đá Tây chế biến công phu, tỉ mỉ và đầy đủ như ở đất liền.

Thi gói bánh chưng ngày Tết tại đảo Đá Tây.

Gia đình anh, chị Nguyễn Thành Ninh và Võ Thị Ánh Châu chia sẻ, đây là lần thứ 2 gia đình anh, chị đón Tết trên đảo Đá Tây và là lần thứ 7 đón Tết cùng cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió. Dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng không khí đón Tết ở ngoài đảo cũng vui không kém ở nhà. Ở đảo cũng tổ chức các hoạt động như trang trí mâm ngũ quả, thi gói bánh chưng, nấu mâm cơm tất niên... Mâm ngũ quả cũng đầy đủ chuối xanh, đu đủ, bưởi, quất và thêm quả dừa, là sản vật do chính lính đảo trồng được. Sau khi nấu xong mâm cơm, quân và dân cùng nhau ăn bữa cơm tất niên và hứa với nhau sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, quyết tâm giữ vững độc lập chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Vui Xuân, đón Tết nhưng không quên nhiệm vụ, đó là trọng trách thiêng liêng của những người lính đảo. Sau những ca trực, họ lại ngồi bên nhau cùng thưởng thức bánh kẹo, kể cho nhau nghe những dự định của năm mới và gọi điện về chúc Tết gia đình. Một cái Tết cổ truyền đủ đầy, sung túc, vui tươi làm vơi đi nỗi nhớ quê nhà, nhớ quê hương của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên huyện đảo Trường Sa.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục