Các đại biểu tham gia phản biện. (Ảnh: Diệp Vinh)
Các đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội nghị.
Trình bày Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo nêu rõ, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch ở cấp cao nhất theo quy định của Luật Quy hoạch và lần đầu tiên được triển khai ở nước ta, do đó, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, chưa có tiền lệ.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là một bước cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, tập trung vào việc phân bổ các tổ chức, các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường. Dự thảo đã đề cập đến việc phân vùng, trục tăng trưởng, hành lang kinh tế. Đây là cơ sở để làm các quy hoạch khác như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, địa phương....
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ Quy hoạch, trong đó phân tích để thấy cơ sở pháp lý, thực tiễn thời kỳ Quy hoạch; định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành kinh tế, góp ý để chỉ rõ quan điểm, mục tiêu và những tác động trong tổ chức không gian phát triển các ngành kinh tế; định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phân tích để góp ý làm rõ căn cứ, yêu cầu, mục tiêu phát triển các ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; định hướng sử dụng tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Các ý kiến tập trung vào các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và các dự án quan trọng quốc gia; phân tích, chỉ rõ dự báo, khả năng trong thực hiện quy hoạch, thực hiện các dự án quan trọng quốc gia; phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia; phân tích làm rõ cơ sở, tác động của việc phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia; phương hướng phát triển đô thị xanh, phát triển bền vững…
Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam.
Khẳng định với tinh thần đoàn kết, đồng thuận cao, Hội nghị đã đạt được mục đích yêu cầu đề ra, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, các tham luận chuyên sâu phản biện tại hội nghị đều đánh giá cao Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết, khó và không kém phần nhạy cảm, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Cơ quan chủ trì là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dày công chuẩn bị về cơ bản đã đề cập khá toàn diện, sâu sắc một khối lượng đồ sộ liên quan đến chuyên môn sâu của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sẽ tiếp tục được nghiên cứu để đóng góp ý kiến.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ: Thông qua lắng nghe các ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bộ phận soạn thảo sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá, tiếp thu ý kiến xác đáng để bổ sung vào báo cáo Quy hoạch...
Trong quá trình thẩm định hoặc tổ chức các cuộc hội thảo với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ gửi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tiếp tục tham gia ý kiến.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, thành viên của Mặt trận sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ với cơ quan chủ trì soạn thảo về những khó khăn trong quá trình lập, thẩm định, trình phê duyệt Quy hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để đưa Quy hoạch vào thực tiễn cuộc sống...
Gửi phản hồi
In bài viết