Chính vì những giá trị đã được khẳng định của “Truyện Kiều” mà bất cứ một nghệ sĩ nào khi muốn chuyển thể, sáng tạo hay chỉ lấy cảm hứng từ tác phẩm này cũng phải chịu rất nhiều áp lực. Trong đó, quan trọng nhất là áp lực chuyển tải cho đúng tinh thần vĩ đại của tác phẩm.
Mới đây, màn ảnh rộng đã chứng kiến liên tiếp hai “cuộc thử nghiệm” với cảm hứng từ nhân vật Kiều. Đó là tác phẩm “Kiều@” của đạo diễn Đỗ Thành An, và phim “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền. “Kiều@” thực chất là phiên bản điện ảnh của vở cải lương kinh điển “Nửa đời hương phấn” nên yếu tố “Kiều” ở đây thực chất chỉ là cảm hứng. Bộ phim nói về số phận của những cô gái xinh đẹp sa ngã ở chốn thị thành. Còn “Kiều” gần gũi hơn với cách người đọc hình dung về nhân vật này bởi đây là một bộ phim cổ trang, xoáy vào mối tình tay ba Thúc Sinh - Hoạn Thư - Kiều.
Và không ngạc nhiên khi cả hai bộ phim này đều nhận được những ý kiến trái chiều, trong đó chê nhiều hơn khen. Thực tế, với một tác phẩm nghệ thuật, cụ thể là trước một bộ phim, việc có cả lời khen tiếng chê là điều bình thường bởi tất cả phụ thuộc vào cảm nhận chủ quan của mỗi người cũng như nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng, điều đáng nói là hầu hết ý kiến phê bình đều cho rằng hai bộ phim kể trên đều không chuyển tải được tinh thần quan trọng nhất của Kiều, đó là qua những câu chuyện về nhân tình thế thái làm toát lên khát vọng tình yêu, tự do, sự công bằng... mà đi vào minh họa “bề nổi” với những hình ảnh, chi tiết đôi khi sống sượng.
Có thể khẳng định, không một tác phẩm nào trong kho tàng văn học Việt Nam lại có sức khơi nguồn sáng tạo nghệ thuật như “Truyện Kiều”. Từ lảy Kiều, bói Kiều đến sân khấu, phim, ảnh, múa, rối... đều “in” bóng nàng Kiều. Song càng như thế tác phẩm này càng đặt cho người sáng tạo áp lực phải làm sao cho xứng tầm, mang đến những góc nhìn mới nhưng phải đúng với tinh thần tác phẩm... Sự phán xét của dư luận với các tác phẩm bị cho là “mượn danh” Kiều chắc chắn sẽ là bài học quý giá cho giới sáng tạo!
Gửi phản hồi
In bài viết