Lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cắt băng khánh thành công trình chỉnh trang Nghĩa trang Hàng Keo
(Côn Đảo) ngày 13/5/2022.
Nơi yên nghỉ của hơn 20 ngàn người
Nghĩa trang Hàng Dương rộng khoảng 19ha, chia làm 4 khu mộ (khu A, B, C và D). Nghĩa trang là nơi yên nghỉ của hơn 20 ngàn anh hùng, liệt sĩ, nhà yêu nước, là “bảo tàng” tâm thức của người Việt về tinh thần yêu nước.
Đến đây, người dân và du khách có thể hiểu rõ hơn về sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các hướng dẫn viên, thuyết minh viên kể những câu chuyện cảm động về những tấm gương kiên trung, bất khuất của các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước.
Hiện nay, Nghĩa trang Hàng Dương được tôn tạo khang trang với sân hành lễ rộng, tượng đài chính giữa uy nghi cao 21,6m được thiết kế cách điệu từ hình dáng của các nấm mồ và bia mộ, ghép từ tổ hợp 144 phiến đá khối, chạm khắc những hình tượng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Bên dưới là bức phù điêu cao 2m, dài 30m khắc họa hình ảnh khắc nghiệt từng diễn ra tại nhà tù Côn Đảo trong 113 năm (1862-1975).
Khu A chủ yếu là các phần mộ yên nghỉ từ năm 1945 trở về trước. Tiêu biểu có phần mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Khu B là lớp tù nhân kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và chống Mỹ. Nơi đây có phần mộ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu. Khu C đa số là các phần mộ yên nghỉ từ năm 1960 đến năm 1975. Khu D là nơi quy tập các phần mộ từ Hàng Cau, Nghĩa trang Hàng Keo và từ nơi khác trên Côn Đảo về.
Từ cổng đi vào, khu vườn đá được xây dựng trên ý tưởng sự sụp đổ của mảng tường nhà tù. Khu vườn đá có tượng “Thủy chung” (trước đây gọi là tượng Trao áo) cao 4,5m thể hiện lòng trung thành, chung thủy với cách mạng của đồng chí, đồng đội và những chiến sĩ yêu nước, chết còn cởi áo trao nhau. Tượng “Hy vọng” cao 4,5m mô phỏng tinh thần lạc quan, tin vào thắng lợi, vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Trung tâm vườn đá là phù điêu “Bất khuất” cao 3,5m, dài 12,5m, một bên khắc họa hình ảnh về cuộc sống tù nhân Côn Đảo nhằm tố cáo chế độ nhà tù của thế lực thực dân xâm lược và một bên thể hiện ý chí kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cộng sản yêu nước từng bị giam cầm và đày đọa tại “địa ngục trần gian Côn Đảo”.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dâng hương tại phần mộ Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.
Lưu truyền giá trị yêu nước
Ngày 27/8/1976, khi thăm lại Nhà tù Côn Đảo, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã dặn: “…Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng. Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại. Côn Đảo là một trường học lớn với các thế hệ mai sau. Các đồng chí hãy ra sức phấn đấu xây dựng Côn Đảo chẳng những trở thành một hòn đảo giàu đẹp về kinh tế, mạnh về quốc phòng mà còn phải gìn giữ những di tích lịch sử ấy trở thành tài sản của nhân dân, một thứ tài sản vô giá lưu truyền cho đến nghìn đời con cháu mai sau…”.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước nói chung và hệ thống hính trị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát triển Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo, trong đó có Nghĩa trang Hàng Dương.
Ngày 13/5/2022, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khánh thành công trình chỉnh trang Nghĩa trang Hàng Keo, huyện Côn Đảo. Công trình có tổng mức đầu tư trên 34 tỷ đồng. Nghĩa trang Hàng Keo được đặt 4 cụm điêu khắc đá với 14 tác phẩm, theo các chủ đề: Khát vọng hòa bình tự do; Địa ngục trần gian; Đấu tranh - Chiến thắng - Ngày trở về, Tri ân - Biển hát lời quê hương.
Trước đó, tại khu di tích Nghĩa trang Hàng Dương, Đền thờ Côn Đảo được xây dựng và khánh thành (20/11/2011). Đây là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu của huyện Côn Đảo nhân kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (1991-2011).
Đền thờ Côn Đảo được xây dựng trên diện tích 2,5ha, với tổng mức đầu tư gần 75 tỷ đồng từ nguồn đóng góp, tài trợ của nhân dân và các doanh nghiệp trong cả nước. Công trình gồm 10 hạng mục: tứ trụ, cổng đền, nhà treo chuông, tả - hữu mạc, đền chính, nhà hóa vàng, nhà quản trang, sân đường, vườn đền và khu công cộng. Công trình được thiết kế theo kiểu dáng kiến trúc và thờ tự của ngôi đền truyền thống Nam Bộ.
Trước đó, hạng mục nhà treo chuông và quả chuông thuộc dự án Đền thờ Côn Đảo đã được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2008 bằng nguồn tài trợ của Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Từ những sự đầu tư nói trên, di tích Nghĩa trang Hàng Dương được tôn tạo khang trang, trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút nhiều du khách viếng thăm khi đặt chân đến Côn Đảo.
Hòa vào dòng người viếng Nghĩa trang Hàng Dương những ngày tháng 7, chúng tôi không kìm nén được xúc động. Có dịp trò chuyện với những đoàn khách thập phương, chúng tôi được biết, trong tâm thức của nhiều người, Nghĩa trang Hàng Dương là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhiều người chia sẻ, việc dâng hương viếng các anh hùng, liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương như một cách thể hiện lòng tri ân các chiến sĩ cộng sản trung kiên đã ngã xuống cho độc lập tự do của dân tộc hôm nay.
Gửi phản hồi
In bài viết