Tác phẩm "Người Thăng Long" được nhà văn Hà Ân viết năm 1980, là một bản trường ca hào hùng về các vị vương, tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Nhân vật trung tâm của truyện là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, người con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, thường được dân gian gọi là ông hoàng Sáu. Tác phẩm còn tái hiện không khí náo nức của buổi Hội thề, không khí trang nghiêm của Hội nghị Bình Than và không khí trang trọng, hừng hực ý chí chiến đấu của Hội nghị Diên Hồng, bên cạnh đó là vẻ đẹp văn hóa dân gian xưa...
Tiểu thuyết "Khúc khải hoàn dang dở" viết về Đỗ Vĩ - người tình báo chiến lược tài ba của nhà Trần, một điệp viên gần như duy nhất được ghi trong chính sử. Ông đã thâm nhập vào lòng địch, gửi về cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn những tin tức vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai.
Bộ đôi tiểu thuyết "Người Thăng Long" và "Khúc khải hoàn dang dở" của nhà văn Hà Ân nằm trong những tiểu thuyết lịch sử hay nhất về những người con của đất Thăng Long – Hà Nội.
Còn "Quê người", "Mười năm", "Quê nhà" của nhà văn Tô Hoài là ba mảnh ghép tạo nên một cái nhìn xuyên suốt về Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ XX đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Cuốn "Quê người" kể về vùng Bưởi ngoại ô Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám với những nhân vật là người nông dân. "Mười năm" viết về người nông dân ấy được tập hợp dưới phong trào Ái hữu thời kỳ Mặt trận Dân chủ. "Quê nhà" về hoạt động của các nghĩa quân chống lại quân Pháp trong hai lần giặc đánh chiếm Hà Nội.
Bộ ba tiểu thuyết được nhà văn Tô Hoài viết trong gần 40 năm. Năm 2020, trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Tô Hoài, gia đình ông đã tin tưởng ủy quyền quản lý toàn bộ các sáng tác của ông cho Nhà Xuất bản Kim Đồng. Trong đó, bộ ba tiểu thuyết này là những tác phẩm đầu trong gia tài đồ sộ của nhà văn Tô Hoài được Nhà Xuất bản Kim Đồng gửi đến độc giả trưởng thành.
Gửi phản hồi
In bài viết