Tại buổi lễ, các đại biểu cùng nhân dân, khách thập phương ôn lại bối cảnh ra đời của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, sau đó phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ 15 do Lê Lợi khởi xướng cùng bộ tham mưu lãnh đạo, thực hiện thắng lợi.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Giữa tháng 4/1428, tại Điện Kính Thiên, Kinh thành Thăng Long, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt.
Lê Thái Tổ cùng các vị vua kế tiếp tiếp tục thực thi các chính sách tiến bộ về ruộng đất, phát triển công thương nghiệp, giáo dục, mở rộng bang giao, giữ yên bờ cõi, xây dựng nhà nước pháp quyền, quốc gia cường thịnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á nửa sau thế kỷ 15.
Lam Kinh (Tây Kinh) gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc phục vụ chức năng tín ngưỡng, tri ân tổ tiên được khởi dựng từ những thập kỷ đầu thế kỷ 15, song hành cùng Đông Kinh - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước thời Hậu Lê.
Khu vực này lưu giữ những dấu ấn quan trọng về 1 giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc nên từ năm 1962, Bộ Văn hóa-Thông tin đã có quyết định công nhận Khu di tích Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa là Di tích cấp Quốc gia.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là di tích Quốc gia đặc biệt. 10 năm qua, khu di tích được bố trí nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị.
Từ chỗ thu hút, phục vụ 68 nghìn lượt khách tham quan vào năm 2011, 8 tháng đầu năm nay, đã có tới 227 nghìn lượt khách tham quan Lam Kinh.
Kỷ niệm hơn 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, tưởng niệm, tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân Lam Sơn, hoàng thân quốc thích vương triều Hậu Lê và kỷ niệm 10 năm Di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tranh thủ thời cơ và vận hội mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cũng trong dịp này, các đại biểu, nhân dân, khách thập phương dâng hương tưởng niệm Trung Túc Vương Lê Lai, Lê Lợi, các vị vua triều Hậu Lê tại các di tích vệ tinh ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân và thành phố Thanh Hóa.
Tỉnh Thanh Hóa cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức chương trình nghệ thuật “Hào khí Lam Sơn - tỏa sáng, trường tồn”, các trò chơi, trò diễn, tổ chức tour, tuyến du lịch đến các điểm du lịch trong quần thể Di tích lịch sử Lam Kinh và các di tích phụ cận…
Gửi phản hồi
In bài viết