Tên gọi bánh gio xuất phát từ quá trình chế biến, tuy không khó nhưng khá kỳ công. Gio ở đây là lớp tro được lấy sau khi đốt các loại cây như tầm gửi, lai hay sấu,… Sau đó, người ta cho nước vào lớp tro vừa đốt được, đến khi nước và tro quyện thành màu nâu mật loãng thì cho gạo nếp ngon làm bánh vào. Người làm khéo léo cho gạo vào lòng chiếc lá sao cho gọn, đều rồi quấn và bẻ mép lá ở hai đầu bánh thật khít, cân đối, sau đó dùng dây lạt buộc lại không quá chặt để khi luộc, hạt gạo nở đều.
Bánh gói xong xếp vào nồi luộc 5-6 giờ vớt ra để nguội. Bánh gio luộc chín có màu vàng nâu (màu hổ phách) trông rất bắt mắt, hấp dẫn. Có thể thưởng thức bánh gio cùng mật mía, đường mật hoặc ăn không nhân lúc còn nóng để cảm nhận trọn vẹn dư vị thơm ngon. Khi ăn, người ta có thể cảm nhận được vị thanh mát, dẻo thơm của hạt gạo quyện với vị ngọt của đường và sự tài hoa, khéo léo của người thợ làm bánh. Đặc biệt, bánh gio có thể để được từ 5-7 ngày nên được nhiều du khách lựa chọn làm quà trong mỗi chuyến du lịch vùng cao. Vị thanh mát, thoang thoảng hương vị đặc trưng từ gạo nếp và chút hăng nồng của gio khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi.
Gửi phản hồi
In bài viết