Dám nghĩ, dám làm
Không ai hiểu được nét đẹp văn hóa và đời sống của dân tộc mình bằng chính những người đang sinh sống trong cộng đồng ấy. Bởi thế, vài năm trở lại đây, nhiều bạn trẻ trong Hợp tác xã Thanh niên Bình An (Lâm Bình) đã miệt mài thực hiện khát vọng gìn giữ, thắp sáng ngọn lửa văn hóa dân tộc mình và mong muốn quảng bá hình ảnh ấy.
Đèo Khau Lắc nằm trên tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm huyện Lâm Bình. Đèo có địa thế cao trên 400m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm. Phong cảnh ở đây mỗi mùa đều mang vẻ đẹp riêng. Mùa thu mây bay lãng đãng, mùa đông thì lớp lớp những tầng mây, mùa lúa chín có những thửa ruộng vàng óng đẹp như tấm thảm vàng chạy dài đến tận chân núi, cảm giác như đi giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Đầu năm 2020, đèo Khau Lắc được đầu tư tuyến đường điện dài 6km, người dân đi lại đã thuận tiện và an toàn hơn.
Với những ưu thế về cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng thu hút khách du lịch, các thành viên của Hợp tác xã Thanh niên Bình An đã xây dựng Điểm săn mây đèo Khau Lắc phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm những phút giây thư giãn bên bạn bè, người thân.
Đoàn viên, thanh niên thăm mô hình nuôi cá lồng của anh Trịnh Văn Hà, thị trấn Na Hang (Na Hang).
Anh Quan Văn Khu, Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Bình An, xã Bình An (Lâm Bình) cho biết, điểm săn mây đèo Khau Lắc được các thành viên lên ý tưởng theo định hướng phát triển du lịch của huyện, xã. Với 4 khu riêng biệt là: Khu check - in, khu ẩm thực, khu trồng hoa và khu bãi đá. Điều đặc biệt ở đây là dù các thành viên có đầu tư xây dựng, có tác động từ bên ngoài vào nhưng vẫn giữ nguyên vẻ đẹp vốn có của đèo Khau Lắc, vật liệu xây dựng được lựa chọn đều từ tự nhiên.
Để đáp ứng nhu cầu của khách đến tham quan và tạo điểm nhấn thu hút du khách, thứ 7 hàng tuần các thành viên đã mời một số câu lạc bộ văn nghệ trong huyện đến biểu diễn. Các tiết mục đặc sắc về quê hương Lâm Bình được thể hiện qua những ca sỹ không chuyên, các em nhỏ đã tạo được nét đặc trưng là điểm nhấn mỗi khi đến với Lâm Bình. Chị Phan Thanh Nhàn, du khách đến từ Quảng Ninh chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị đến với Lâm Bình. Chị rất ấn tượng với sân khấu bên rìa núi. Những bài hát về Tuyên Quang, về Lâm Bình, tiếng đàn Then, tiếng khèn vang lên dung dị, bình yên như chính con người nơi đây.
Anh Trịnh Văn Hà, thị trấn Na Hang (Na Hang) được biết đến là đoàn viên thanh niên với mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Na Hang từ nhiều năm qua. Năm 2019, anh Hà đã được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn. Anh Hà chia sẻ, đối với những thanh niên mới lập nghiệp còn nhiều khó khăn như anh thì nguồn vốn 120 chính là điểm tựa vững chắc để anh có điều kiện phát triển kinh tế. Số tiền vay được, anh sử dụng vào việc sửa chữa lồng cá, mua thức ăn, cá giống để mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay, anh có trên 30 lồng cá chủ yếu nuôi các loại cá lăng, rô phi, trắm, quất hoa. Anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Anh Lý Văn Dũng, (ở giữa), thôn Yên Bình, xã Phú Bình (Chiêm Hóa) nuôi bò sinh sản để lấy thức ăn cho giun quế.
Không dừng lại ở đó, anh Hà đang lên kế hoạch phát triển cá nước lạnh là cá Tầm, cá Hồi. Kinh phí dự kiến 500 triệu đồng với quy mô xây dựng 6 ao nuôi cá Tầm, cá Hồi, cá bỗng, cá lăng chấm với diện tích mặt nước trên 7.000m2. Anh Hà mong muốn ý tưởng sẽ trở thành hiện thực và giải quyết được vấn đề việc, truyền tải được năng lượng tích cực cho các bạn đoàn viên, thanh niên mong muốn khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Hiện nay, ý tưởng khởi nghiệp của anh Quan Văn Khu và anh Trịnh Văn Hà là 2 ý tưởng của tỉnh lọt vào vòng bán kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023.
Tiếp sức phong trào khởi nghiệp
Anh Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Phong trào, Tỉnh đoàn cho biết, để hỗ trợ thanh niên lập thân, khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp, các giải pháp củng cố, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần khuyến khích, thúc đẩy nhu cầu làm giàu chính đáng của thanh niên.
Hiện nay, Tỉnh đoàn được Ban Bí thư Trung ương Đoàn ủy thác vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (nguồn vốn 120) trên 2,1 tỷ đồng, với tổng số 27 dự án. Duy trì chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của UBND tỉnh ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với số tiền 9 tỷ đồng của 197 dự án vay. Nguồn vốn cho vay đã giúp nhiều đoàn viên, thanh niên đặc biệt là những thanh niên ở vùng cao có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở mang ngành nghề dịch vụ.
Chàng trai dân tộc Dao Lý Văn Dũng, Bí thư Chi đoàn thôn Yên Bình, xã Phú Bình (Chiêm Hóa) sau nhiều lần thất bại đã thành công với mô hình nuôi giun quế. Sau những lần thất bại, anh đã được tổ chức Đoàn hỗ trợ vay 100 triệu đồng từ Nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn (nguồn vốn 120). Có vốn, anh xây dựng khu nuôi giun quế kiên cố, mái lợp tôn. Giun quế được anh nuôi theo hai phương pháp là nuôi ăn nổi và nuôi ăn chìm. Để có nguồn phân nuôi giun quế, anh đã đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Có thời điểm đàn bò của anh lên đến 20 con. Năm 2022, tổng thu nhập của anh đạt 300 triệu đồng từ nuôi giun quế và nuôi bò sinh sản.
Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn vay, Tỉnh đoàn, UBND các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm với nội dung hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Tại các buổi tọa đàm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp của các bạn đoàn viên, thanh niên sẽ được giải đáp và được định hướng những mô hình phù hợp với tình hình thực tế của bản thân và địa phương.
Trong hành trình khởi nghiệp của các bạn trẻ, ai cũng sẽ có những thăng trầm. Nhưng chỉ cần dám nghĩ, dám làm chắc chắn hành trình ấy sẽ luôn rộng mở…
Gửi phản hồi
In bài viết