Bắc Lè ngày mới

- Người ta bảo, thôn Bắc Lè xa lắm, cách trung tâm xã Đà Vị (Na Hang) gần 6 km, tuy có đường bê tông nhưng quanh co, khúc khuỷu, nghe qua chúng tôi mường tượng về sự đói nghèo. Ấy thế mà nơi đó chỉ có 3 hộ nghèo trong tổng số 100 hộ dân, một sự ngạc nhiên dần hiện hữu.

Vận động di vén nhưng không di cư

Trong căn nhà nhỏ 1 gian 2 chái có phần hiện đại, Trưởng thôn Trần Văn Khu xuất hiện nhẹ nhàng kể, thôn Bắc Lè hiện có 100 hộ dân đều là dân tộc Tày. Chỉ tay bao quát ra xa, anh bảo, dân trong thôn ở theo hàng lối như này bởi phải di vén nhường chỗ cho thủy điện Tuyên Quang dâng nước vào năm 2006.

Bắc Lè đứng nhỏ nhoi dưới dãy núi Yên Ngựa, trải dài từ xã Đà Vị (Na Hang) đến xã Na Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Ngày xưa khi chưa dâng nước, người dân nơi đây gắn liền với cây lúa, hạt ngô, được cái lợi thế đất đai màu mỡ nên không nhà nào bị đói lúc giáp hạt, tuy nhiên sau năm 2006 mọi chuyện dường như đã khác. Toàn thôn Bắc Lè có 90 hộ dân, ai cũng được nhận tiền đền bù, nhà nhiều được hơn 100 triệu đồng, không có đất sản xuất, người ta bắt đầu nghĩ đến việc hưởng thụ, lớp thanh niên ngày đó không còn chí thú làm ăn mà bắt đầu ăn chơi lêu lổng. Nhiều hộ dân trong thôn không còn đất sản xuất bắt đầu có tâm lý chán nản, không mặn mà canh tác, giống lúa Đoàn kết, N203, Nông nghiệp 8 đưa lên cao canh tác đều mất mùa, giống ngô cũng bị sâu bệnh phá hại. Thực sự lúc đó, đến cả gia đình bản thân mình cũng chán, anh Khu tâm sự.

Thôn Bắc Lè đã có nhiều nhà xây khang trang.

Năm 2008, sau khi được chính quyền xã vận động người dân tận dụng diện tích đất đồi để trồng rừng, anh Khu lúc này là cán bộ y tế thôn cùng lãnh đạo thôn đi vận động mãi chỉ có duy nhất bà Vi Thị Hương trồng thử nghiệm 2 ha cây keo, sau khoảng 3 năm cây lớn nhanh kỳ lạ, đầu trên, đầu dưới xì xào về hiệu quả. Ấy vậy mà đến năm 2012, toàn bộ 2 ha keo của gia đình bà Hương bị mối ăn rỗng ruột, chết toàn bộ. Bà Hương nhớ lại, lúc đó bà cùng cán bộ khuyến nông xã đi từng cây chặt ngang để kiểm tra, bên ngoài xanh tốt nhưng bên trong mối đã ăn từ bao giờ không hay. Thấy gia đình thất bại, cả thôn nhiều người đến an ủi, và nhiều người cũng khuyên bỏ đi nơi khác, nơi ở này không trồng cấy được gì là sẽ bị đói sớm thôi, ai cũng tự nhớ về nơi ở cũ với sự hoang hoải khó tả.

Anh Khu kể tiếp, năm 2012 anh được bầu làm Phó thôn, lúc này thực sự tâm lý người dân Bắc Lè đã lên cao trào của sự thất vọng. Anh quyết thay đổi, anh đã mạnh dạn ra UBND xã đề xuất xin 1,5 vạn cây mỡ giống đưa về trồng tại thôn, anh tập hợp được 15 hộ dân có đất, nhà ít nhất có 0,5 ha, nhà nhiều 2 ha, cấp cây giống để người dân bắt đầu làm kinh tế rừng. Ngày đó người dân nể mình thì nghe theo chứ thực ra không hề ủng hộ, anh Khu hơi trầm ngâm tự sự. Đến năm 2014, nhà nước có chủ trương giao 200 ha rừng 327 cho người dân Bắc Lè chăm sóc, đó thực sự là cơ hội cho nhân dân đổi đời bởi diện tích rừng sắp đến độ khai thác, nhưng vận động mãi mới được 50 hộ nhận rừng.

Năm 2015, đến độ khai thác, ai cũng lo sợ không ai vào mua cây, Phó thôn Khu lại lặn lội xuống tận thị trấn Na Hang tìm gặp Công ty Vĩnh Bình chuyên thu mua lâm sản để tìm đầu ra cho nhân dân. Cuối năm đó, dù giá thu mua rẻ do đường sá đi lại khó khăn nhưng nhà ai nhận rừng 327 đều có khoản tiền kha khá mang về nhà, ai cũng nể Phó thôn Khu lắm vì nhìn thấy cơ hội đổi đời cho người dân. Sau năm đó, người dân Bắc Lè không ai bảo ai, nhà nào cũng chủ động khai hoang đất để trồng rừng, tâm lý di cư đã không còn, nhà nào cũng có rừng để phát triển kinh tế.

Những nghề mới xuất hiện

Năm 2015, anh Khu lúc này là Trưởng thôn, anh có thêm điều kiện để vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất.

Năm 2010, sau khi nước dâng ổn định, nằm ở cuối của nguồn nên thủy sản ở Bắc Lè nhiều vô kể. Loay hoay mất vài năm, tình cờ một lần vài người dân xã Xuân Lai, huyện Yên Bình (Yên Bái) đến thôn dạy cách bắt cá, họ đặt lưới ngang dòng nước, ai cũng cười, ấy thế mà sau 1 đêm, họ thu về hơn 1 tạ cá. Mà toàn cá to, cá đặc sản. Với vai trò là Trưởng thôn, anh Khu tự mình mày mò, học hỏi và truyền đạt cho người dân cách bắt cá bằng lưới. Từ năm 2015, người dân đã có thêm nghề mới là đánh bắt thủy sản trên lòng hồ.

Người dân Bắc Lè phát triển kinh tế rừng để nâng cao thu nhập.

Có những hướng mới để làm kinh tế, người dân Bắc Lè dần tự vươn lên, ngày đó sau khi khai thác 200 ha rừng 327, người dân Bắc Lè thấy sự cần thiết của con đường dẫn vào khu sản xuất. Con đường Nà Mầy dài 5 km, trải bê tông thẳng tăm tắp, đã có 43 hộ dân chủ động hiến đất. Ông Sầm Văn Ứng chia sẻ, tấc đất tấc vàng, con đường đi qua nhà tôi là nhiều nhất, thú thật cũng suy nghĩ nhiều lắm do đất canh tác ít nhưng nhớ lại năm 2014, thương lái ngán ngẩm không muốn mua nông sản của người dân tôi lại càng quyết tâm. Ông Ứng chủ động hiến hơn 1.000m2 đất sản xuất để làm đường. Có đường, người dân đi lại dễ dàng, thương lái thu mua nông sản cũng dễ dàng và giá cũng cao hơn trước rất nhiều.

Trong thôn Bắc Lè hôm nay có nhiều hộ đã vươn lên thành hộ khá, giàu, căn nhà khang trang với nhiều vật dụng đắt tiền ở đầu thôn của ông Hứa Văn Ngân mới hoàn thành, ông hồ hởi bảo, ngày xưa khi có tiền đền bù mình đã từng có quá khứ nông nổi, cuối cùng thành hộ nghèo, gia đình tan đàn xẻ nghé. Năm 2020, bà con trong thôn vận động, Trưởng thôn đứng ra bảo lãnh, tín chấp cho vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang, gia đình ông phát triển chăn nuôi bò, sau 2 năm đã trả hết nợ, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Hay gia đình cựu chiến binh La Văn Cảnh, ông được mệnh danh là “triệu phú rừng”, khác với nhiều hộ dân ông Cảnh tập trung trồng rừng từ năm 2012 trong kế hoạch trồng 1,5 vạn cây giống, đến năm 2015, ông tiếp tục dùng tiền đền bù hồi di vén và hưởng lợi từ rừng 327 mua thêm rừng, đến nay ông có trong tay 20 ha rừng. Năm 2022, ông Cảnh tuy tuổi cao nhưng thu hơn 300 triệu đồng tiền bán cây rừng, ai cũng phục, ông cười và bảo, mình là bộ đội Cụ Hồ, đặt ý chí lên hàng đầu, lại là đảng viên nên mình phải làm trước.

Toàn thôn Bắc Lè hiện có hơn 400 ha rừng, phong trào chăn nuôi bò, đánh bắt thủy sản được người dân phát triển ổn định, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt trên 20 triệu đồng/người/năm. Chúng tôi đến Bắc Lè đúng dịp tháng 7, chuẩn bị mùa nước dâng, chị em phụ nữ trong thôn đang tập trung đan rọ tôm chuẩn bị cho mùa đánh bắt mới, anh Khu bảo, rọ tôm cũng là người dân quê tôi tự học trên Youtube, cải tiến nhiều hơn rọ ở nơi khác, nhà ai cũng có vài trăm rọ để chuẩn bị khi nước dâng sẽ sử dụng để đánh bắt. Đời sống Bắc Lè giờ khá rồi, sẽ thành thôn giàu trong tương lai sớm mà thôi nhất là khi dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang được triển khai, anh Khu khẳng định như thế.

Phóng sự: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục