Mở lối cho những người lầm lỗi

- Chỉ vì phút bồng bột hay những lợi ích trước mắt, nhiều người đã phải trả giá bằng những ngày tháng lao tù. Khi chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trở về, đối mặt với gia đình, làng xóm, họ đều cảm thấy mặc cảm, tự ti. Trước thực tế đó, các cấp, ngành trên địa bàn thành phố Tuyên Quang luôn quan tâm, tạo điều kiện, giúp họ vượt qua mặc cảm sớm tái hòa nhập và “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Đứng lên sau vấp ngã

Cùng cán bộ công an khu vực phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang), tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Huy, sinh năm 1991, ở tổ 16. Cách đây 8 năm, anh Huy từng bị bắt và bị kết án 7 năm 6 tháng tù về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Cuộc sống buông thả thời trẻ, thiếu suy nghĩ, lại không am hiểu pháp luật, anh đã rơi vào vũng bùn tăm tối. Anh luôn ân hận, day dứt chỉ vì lòng tham và sự thiếu hiểu biết anh đã phải lĩnh án tù. Càng ân hận, day dứt, anh càng cố gắng cải tạo để sớm trở về với gia đình. Nhờ cải tạo tốt, đến tháng 9-2021, anh được đặc xá tha tù trước thời hạn.

Nhớ lại thời điểm đó, anh Huy bảo, lúc biết tin được đặc xá anh mừng lắm, nhưng càng gần tới ngày được về anh lại lo lắng, cảm thấy mặc cảm, không biết khi ra tù sẽ bắt đầu từ đâu và phải đối diện với gia đình, hàng xóm như thế nào. Rất may, ngày trở về anh nhận được sự quan tâm của gia đình, chính quyền địa phương đã không ngừng động viên giúp anh vượt qua mặc cảm, hoà nhập cuộc sống. Anh được anh trai giới thiệu và cho công việc giao hàng tại một công ty sữa ở thành phố Tuyên Quang với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Nhờ chăm chỉ tu chí làm ăn, giờ không ai còn nhắc lại quá khứ “lầm lỗi” một thời đã từng khiến anh phải “mặc áo số” nữa.

Công an phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) thường xuyên động viên, tuyên truyền anh Trần Đình Quảng, tổ 10, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, làm lại cuộc đời sau một lần vấp ngã.

Cũng giống như anh Huy, chỉ vì suy nghĩ nông cạn, anh Lê Văn Lợi, sinh năm 1995, thôn 4, xã Kim Phú  từng chịu án phạt 10 năm 6 tháng về tội cướp tài sản. Quãng đời tuổi trẻ, thay vì được trải nghiệm, tận hưởng đủ sắc màu, cung bậc của cuộc sống, Lợi lại phải trả giá, từng ngày ăn năn, sám hối trong trại giam. Anh Lợi chia sẻ, năm 2020, sau khi CHXAPT, thời gian đầu với anh là giai đoạn cực kỳ khó khăn. Nhưng rồi vượt qua mặc cảm, được sự động viên thường xuyên của các cấp, ngành và gia đình, anh cố gắng sống hòa đồng, tu chí làm ăn, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Đồng hành với Lợi, lực lượng Công an xã và chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên xã thường xuyên động viên, thăm hỏi và hỗ trợ anh học nghề làm gương kính. Khi đã có nghề trong tay, tháng 6-2021, anh tiếp tục được chính quyền địa phương hỗ trợ làm thủ tục vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để mở rộng cửa hàng. Nhờ sự cần cù, chịu khó, tu chí làm ăn, cửa hàng của anh Lợi được nhiều người biết đến hơn. Anh còn tạo việc làm cho 3 thanh niên địa phương với mức lương từ 7 triệu đồng/người/tháng. Ký ức lầm lỗi khi xưa dần nhạt nhòa. Anh Lợi giờ đã lập gia đình và trong mắt mọi người, anh  là một thanh niên chịu khó làm ăn, biết chăm lo cho bản thân và gia đình.

Tạo điều kiện hoà nhập

5 năm qua, trên địa bàn thành phố Tuyên Quang có 739 người CHXAPT trở về địa phương. Đối với những người lầm lỗi khi trở về cuộc sống đời thường họ luôn mặc cảm, tự ti. Chính vì vậy, việc cảm hóa, giáo dục để họ sớm tái hòa nhập với cộng đồng là điều không hề đơn giản. Nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và gia đình thì những người này rất dễ tái phạm tội.  

Trung tá Lương Anh Đào, đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an thành phố Tuyên Quang cho biết, khi tiếp nhận những người đã hoàn thành cải tạo trở về địa phương, lực lượng công an cùng chính quyền địa phương luôn chủ động gặp gỡ, động viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Trước hết là giúp đỡ việc thực hiện các thủ tục nhập khẩu, làm căn cước công dân, đăng ký hộ khẩu thường trú. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng, Công an các xã, phường tổ chức phân loại, đánh giá mức độ tiến bộ của từng trường hợp; rà soát những người chưa có công việc để kịp thời định hướng nghề; phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, nhân dân triển khai hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người CHXAPT về địa phương” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Xây dựng xã, phường, cơ quan, trường học, gia đình văn hóa không có tội phạm”...

Hàng năm, Công an thành phố phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức hội chợ tư vấn, tạo việc làm cho trên 500 người CHXAPT tại thành phố Tuyên Quang và các huyện lân cận. Qua đó nhằm định hướng nghề nghiệp, kết nối các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho người lầm lỗi; tổ chức cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội khi đối tượng có nhu cầu và có phương án sản xuất phù hợp hoặc vay vốn đi học nghề; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội cùng quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Nhờ đó đến nay, trên 600 trường hợp đã được kết nối, giới thiệu việc làm phù hợp với mức thu nhập trung bình từ 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Lê Văn Lợi, thôn 4, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) (bên phải) quyết tâm làm lại cuộc đời sau quá khứ một thời lầm lỗi.

Một trong những cách làm mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng là hoạt động tư vấn, kết nối việc làm tại phường An Tường (TP Tuyên Quang). Đồng chí Lê Nghĩa Trung, Chủ tịch UBND phường An Tường cho biết, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người CHXAPT trở về địa phương được phường đặc biệt coi trọng. UBND phường đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, MTTQ, Đoàn Thanh niên, các tổ trưởng dân phố phối hợp với Công an phường trực tiếp quản lý, giáo dục, cảm hoá từng trường hợp cụ thể có quá khứ lầm lỗi. UBND phường đã tuyên truyền tới các cơ sở kinh doanh tư nhân tạo điều kiện giúp đỡ người từng có quá khứ lầm lỗi có việc làm ổn định. Tuy nhiên, việc hỗ trợ, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù vẫn còn gặp khó khăn; trong đó, một số công việc đòi hỏi độ uy tín cao nên nhiều công ty vẫn chưa mở lòng trong khâu xét tuyển. Vì thế, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở nghị lực, quyết tâm của chính đối tượng để tạo niềm tin với mọi người. 

Theo thống kê của Công an thành phố Tuyên Quang, chỉ tính riêng 6 tháng năm 2023, trên địa bàn thành phố đã có 394 người lầm lỗi được cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ; 56 người đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị xóa án tích. Có thể thấy, trong mỗi nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng của những người CHXAPT rất cần sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của cơ quan chức năng, gia đình và cộng đồng để họ có cơ hội làm lại, hoàn thiện mình hơn và trở thành một công dân lương thiện, có ích cho gia đình và xã hội.

Thuý Nga

Tin cùng chuyên mục