Nơi để yêu thương, để trở về…

- Gia đình bà Bế Thị Tồn, Bí thư Chi bộ thôn 18, xã Lang Quán (Yên Sơn) là một trong những gia đình vừa phát huy được nét đẹp truyền thống, vừa phát huy được nét hiện đại trong xây dựng hạnh phúc gia đình. Mới đây, gia đình bà đã vinh dự được tỉnh tuyên dương gia đình văn hóa nhiều thế hệ tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2017 - 2022.

Gia đình văn hóa 3 thế hệ tiêu biểu

Cách UBND xã Lang Quán chừng 6 km là thôn 18, men theo lối mòn cuối ngõ, dẫn vào chân Núi Cháy, chúng tôi đến thăm gia đình bà Bế Thị Tồn, Bí thư Chi bộ thôn 18, gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống hòa thuận, hạnh phúc.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là một nếp nhà sàn vững chãi được thếp bằng gỗ Lim của đồng bào Tày, bà Tồn bảo: căn nhà cũng có 32 năm tuổi rồi đấy. Điều khá đặc biệt nữa là nơi tiếp khách của gia đình bà, nhìn ngay xuống một dòng suối nhỏ, nương đồi cũng hiện hữu ngay trong tầm mắt, khiến gia đình bà như lọt giữa thiên nhiên hoang sơ của đại ngàn, nhưng chính dưới nếp nhà này, lại có những tư tưởng rất tiến bộ, hiện đại trong quan niệm về hạnh phúc gia đình.

Gia đình bà Bế Thị Tồn vinh dự được UBND tỉnh gặp mặt tuyên dương “Gia đình văn hóa nhiều thế hệ tiêu biểu” tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2017 - 2022.

Bà Tồn nguyên là Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Lang Quán, cả đời tham gia công tác xã hội. Năm 2020 bà về nghỉ hưu, nhưng bà vẫn được đảng viên, nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ thôn. Bà bảo: cách đây 2 năm, khi mẹ bà chưa khuất núi, gia đình bà có 4 thế hệ cùng chung sống.

Cùng với đó, bà còn nuôi dưỡng người chị chồng bị tâm thần 10 năm nay, nhưng chưa bao giờ gia đình bà xuất hiện tiếng bấc, tiếng chì. Hiện 3 con gái của bà đều đã lập gia đình riêng, vợ chồng bà sống cùng gia đình con trai út và 2 cháu nội. Nguồn thu nhập chính của gia đình bà, ngoài nguồn lương của các con, lương, phụ cấp hưu của bà thì gia đình bà còn phát triển kinh tế rừng, trồng trọt và chăn nuôi lợn gà, cá, vịt... để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống.

Trong căn bếp nhỏ của gia đình, anh Đỗ Minh Tân, con trai út của bà đang luộc gà, chị Lê Hoàng Hà, dâu út của bà đang thoăn thoắt cuốn chả lá lốt để chuẩn bị bữa cơm trưa. Khi được hỏi “bí quyết” duy trì hạnh phúc gia đình, bà Tồn cười hiền bảo, chẳng có bí quyết gì đâu, chỉ là mình tôn kính bề trên, chăm sóc bố mẹ chồng, bố mẹ mình chu đáo thì con cháu cứ nhìn vào cách cư xử đó của ông bà để tôn trọng, lễ độ theo. Mình thương dâu như con, tạo mọi điều kiện để các con phấn đấu, tiến bộ trong nghề nghiệp, tạo không khí thật thoải mái trong gia đình để con cháu luôn cảm nhận được một điều dung dị thế này thôi: Nhà luôn là nơi để yêu thương, để trở về...

Gia đình bà Bế Thị Tồn, thôn 18, xã Lang Quán (Yên Sơn).

Xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ

Điều khiến tôi có thiện cảm hơn cả với bà Tồn, có lẽ ở tư tưởng giáo dục rất hiện đại, tiến bộ của bà: không đao to búa lớn, không giáo điều, không áp đặt. Bà bảo, để không khí gia đình dễ chịu, thoải mái thì nhất định cần sự tôn trọng, sẻ chia với nhau về mọi việc trong cuộc sống. Là cha mẹ, nhưng chưa bao giờ vợ chồng bà lạm quyền đó để quyết định thay con hoặc áp đặt suy nghĩ lên con cái.

Nhà bà ruộng vườn nhiều, hiện gia đình bà có 4 ha đồi keo, 1 mẫu ruộng, trên chục con lợn và hàng trăm con gà... Vợ chồng con trai út của bà Tồn đều là giáo viên. Bà bảo, quan điểm của bà rất mạch lạc chuyện này, các con đều là đảng viên, là cán bộ Nhà nước, việc ưu tiên hàng đầu là phải hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan trước, rồi thu xếp được thời gian thì hỗ trợ bố mẹ chuyện ruộng nương, gà lợn sau. Nhờ đó, con gái của bà cũng đã phấn đấu có sự nghiệp riêng, nay chị đang đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, dâu út của bà đạt giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021, cháu nội Đỗ Minh Hải của bà cũng đạt giải Nhì cấp huyện trong cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt năm 2023...

“Nền tảng quan trọng nhất, đáng quý nhất trong gia đình mình, chính là tình yêu thương, sự tôn trọng, sẻ chia của các thành viên trong gia đình. Mọi người cùng nỗ lực, cùng cố gắng”- chị Lê Hoàng Hà, con dâu út của bà Tồn cho biết. Hai vợ chồng chị Hà đều là giáo viên, đi làm về, anh Tân không nề hà cùng chị chuẩn bị bữa tối, dạy con học bài, chăm sóc vườn rau... Những hôm thôn có văn nghệ, anh sẵn lòng giúp chị dọn, rửa bát đũa để chị yên tâm tham gia các hoạt động, các phong trào của thôn. Chị Hà bảo: có được hạnh phúc này đều nhờ môi trường giáo dục ấm áp, nghĩa tình, đầy tôn trọng của gia đình nhà chồng và đặc biệt là từ tấm gương của mẹ chồng chị, chị rất biết ơn điều đó.

Gia đình bà Tồn cùng nhau chăm sóc vườn cây ăn quả.

Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, nơi trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa truyền thống, vừa hiện đại... Chị Hoàng Thị Loan, thôn 18, xã Lang Quán, hàng xóm của gia đình bà Tồn cho biết, chị đánh giá cao nét đẹp văn hóa trong gia đình bà Tồn không chỉ ở nếp sống gương mẫu, trên thuận dưới hòa, lối ứng xử giản dị, hòa đồng, tích cực với việc làng, việc xóm... mà đặc biệt, gia đình bà luôn tạo mọi điều kiện để mỗi thành viên trong gia đình được phát triển, phát huy hết khả năng của mình trong mọi việc...

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Lang Quán cho biết, là Bí thư Chi bộ thôn 18, bà Bế Thị Tồn luôn bám sát địa bàn, chú trọng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến chính đáng của nhân dân, từ đó tìm ra cách giải quyết thấu tình, đạt lý đối với các vấn đề nảy sinh trong thôn, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống, tạo không khí hòa thuận ở khu dân cư, xây dựng thôn không có tệ nạn xã hội... Hàng năm, bà luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chi bộ thôn được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Phóng sự: Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục