Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh DUY LINH)
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Sau 5 ngày làm việc, với ba đợt họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành toàn bộ chương trình phiên họp thứ 26 nhằm xem xét tổng số 18 nhóm nội dung, trọng tâm là các công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với cả 19 dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Còn ba tuần nữa, Quốc hội sẽ chính thức khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, kỳ họp có số lượng lớn các dự án luật, nghị quyết được xem xét, cho ý kiến và thông qua với 17 dự án luật, hai dự thảo nghị quyết, đồng thời xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết như việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các nghị quyết quan trọng khác về kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách...
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trước kỳ họp Quốc hội lần thứ 6, trong tháng 10 diễn ra phiên cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung còn lại. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng như: Cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; đánh giá giữa nhiệm kỳ về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần nỗ lực cao nhất, khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tới.
Đối với một số nội dung hết sức cấp thiết và quan trọng như: Việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc tại một số luật liên quan đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án đầu tư sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 và việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, con người Việt Nam..., đề nghị Chính phủ cố gắng trình sớm, các cơ quan của Quốc hội khẩn trương, nỗ lực cao nhất, thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10.
Trong chương trình làm việc hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thiết kế hai phương án liên quan điều kiện cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng, trừ trường hợp thuộc hàng thừa kế.
Cho ý kiến về hai phương án này, các đại biểu đề nghị quy định bảo đảm quản lý nghiêm đất trồng lúa, tránh việc trục lợi chính sách nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh và một số đại biểu cho rằng quy định như phương án 2 là phù hợp, có tính khả thi hơn. Còn tại phương án 1 quy định chỉ cần có hoạt động chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa, dù ít dù nhiều vài chục mét vuông cũng phải thành lập tổ chức kinh tế thì khi đưa vào thực tế chưa phù hợp, sẽ vướng trong quá trình triển khai.
Tham gia đóng góp ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đạo luật có tầm quan trọng đặc biệt, khó, phức tạp, tác động lớn phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, đối nội, đối ngoại, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên có “điều quét”, bởi trong cuộc sống không thể liệt kê hết các vấn đề được. “Phải có “điều quét” để tránh khi phát sinh lại nói luật không có quy định lại đóng hết cửa. Nói trường hợp thu hồi phải phù hợp quy hoạch, nhưng quy hoạch nào phải làm rõ” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cho rằng một số nội dung quan trọng vẫn đang trong quá trình xem xét lựa chọn phương án tối ưu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội tiếp tục phát huy cách làm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phối hợp chặt chẽ. Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ thẩm tra sơ bộ để có quan điểm đối với nội dung Ủy ban Kinh tế nêu ra.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã có gần hai năm để nghiên cứu, đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng 4 lần cho ý kiến, 2 lần xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên cho đến nay, cơ quan chủ trì công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý vẫn còn 13 vấn đề cần thống nhất, hiệu chỉnh, do vậy các cơ quan cần tiếp tục rà soát, thống nhất phương án tối ưu và cần xây dựng tiêu chí cụ thể để thống nhất. Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đất đai.
Chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53 năm 2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Kết luận nội dung làm việc, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh số liệu cho phù hợp, bảo đảm tính chính xác và thống nhất; rà soát nội dung đề xuất trình Quốc hội theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật, vấn đề nào thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định; đồng thời, nhất trí cho rằng, không cần thiết ban hành nghị quyết riêng để điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024 có ảnh hưởng như thế nào đến thời gian, lộ trình thực hiện giai đoạn I của dự án nêu tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Quốc hội ban hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua cho ý kiến về các nội dung: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Gửi phản hồi
In bài viết