Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho người lao động, học sinh trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, nếu vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại thì việc thoát nghèo cực kỳ khó khăn. Chính vì thế, khi triển khai các chính sách về giảm nghèo, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về ý nghĩa Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Thông qua đó, thể hiện quyết tâm nỗ lực vươn lên, triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo kịp thời nhưng đồng thời cũng phát huy tinh thần tự giác vươn lên của mỗi hộ nghèo. Những địa phương có cách làm hay trong triển khai giảm nghèo, những hộ nghèo có ý thức vươn lên được ghi nhận, biểu dương kịp thời để từ đó nhân rộng, lan tỏa.
Anh Nông Văn Tiến, dân tộc Dao ở xã Hùng Đức (Hàm Yên) từng được nhận giấy khen của UBND huyện Hàm Yên về điển hình vươn lên thoát nghèo. Xuất phát điểm thấp, kinh tế khó khăn khi vừa phải nuôi các con ăn học trong khi chỉ trông vào mấy sào ruộng, đất vườn chưa phát huy hiệu quả. Gia đình anh được Nhà nước tạo điều kiện vay vốn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp VAC.
Trong quá trình phát triển sản xuất, anh được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tổ chức tại địa phương. Bản thân anh và gia đình luôn biết ơn sự giúp đỡ của Nhà nước và chính quyền địa phương, coi đó là sự khích lệ gia đình đẩy mạnh sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Anh động viên các thành viên trong gia đình cùng đoàn kết, chăm chỉ lao động, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật đã học vào sản xuất. Nhờ đó, gia đình anh đã có nguồn thu ổn định và thoát nghèo từ nhiều năm nay. Anh Tiến bảo, nếu không có sự nỗ lực của bản thân và gia đình thì việc thoát nghèo thực sự khó và không bền vững được. Theo anh, mấu chốt thoát nghèo vẫn là ý chí và quyết tâm của mỗi người. Nếu không quyết tâm vươn lên cứ trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước thì sẽ không bao giờ thoát nghèo được.
Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo thật đáng trân trọng. Đó là câu chuyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của cụ bà Quyền Thị Dưỡng, 85 tuổi, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên; cụ Đặng Thị Kỉnh, 85 tuổi thôn Soi Long, xã Thái Hòa; cụ Nguyễn Thị Tuyết, thôn Cây Xoan, xã Đức Ninh (Hàm Yên)… Các cụ tuổi cao sức yếu nhưng luôn là tấm gương sáng trong lao động và thể hiện tinh thần vượt qua khó khăn khiến nhiều người nể phục.
Cụ Dưỡng bảo, xét theo các tiêu chí thì cụ vẫn thuộc diện nghèo nhưng cụ thấy ngoài xã hội còn nhiều người, nhiều gia đình còn khổ hơn mình nên cụ quyết tâm viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để “nhường” cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Hàng ngày, cụ vẫn chăm chỉ với công việc trồng rau, nuôi gà, không cần phải nhờ đến sự trợ giúp của con cháu.
Lao động làm việc tại nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.
Nhằm hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất; hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo (giai đoạn 2021 - 2025 toàn tỉnh đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025 hoàn thành xóa 3.820 nhà ở tạm, dột nát cho 100% hộ nghèo); tăng cường thu hút đầu tư, giới thiệu việc làm, phát triển du lịch, dịch vụ tạo việc làm ổn định cho người dân; khuyến khích phát triển các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, tạo sinh kế cho hộ nghèo…
Anh Nguyễn Hữu Tấn nhà ở xã Kháng Nhật (Sơn Dương) sau khi tham gia ngày hội việc làm tại địa phương đã đăng ký và được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh thuộc cụm công nghiệp xã Phúc Ứng (Sơn Dương). Anh Tấn cho biết, cụm công nghiệp Phúc Ứng mở ra đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn như anh. Từ ngày có việc làm, anh có thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/tháng, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Nếu ai trong độ tuổi lao động cũng có việc làm, thu nhập ổn định thì việc thoát nghèo là đương nhiên.
Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 265/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024. Theo đó, mục tiêu tổng quát thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống…
Tỉnh thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người nghèo được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, cách thức làm ăn mới, bảo đảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4%/năm, các huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên.
Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng tăng tốc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống dưới 10% (năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 15,09%). Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng tin tưởng rằng với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành và trong chính mỗi hộ nghèo sẽ hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đã đề ra, góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết