Để hướng tới phát triển bền vững bộ môn này, hiện các nhà quản lý đang nỗ lực tìm lời giải bài toán kinh phí, đào tạo nhằm bổ sung lực lượng kế cận cho đội tuyển quốc gia.
Phần biểu diễn của vận động viên Nguyễn Hà My (Hà Nội) tại Giải vô địch Thể dục nghệ thuật quốc gia năm 2023.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Tại Giải vô địch trẻ và các nhóm tuổi Thể dục nghệ thuật quốc gia năm 2023 diễn ra hồi cuối tháng 11 vừa qua, số đoàn tham dự giải chỉ dừng ở con số 4 gồm thành phố Hồ Chí Minh I và II, Hà Nội cùng Bình Dương với hơn 30 vận động viên. Rõ ràng, bộ môn này đang rất thiếu từ nguồn nhân lực lẫn sự đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất.
Theo Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật (Liên đoàn Thể dục Việt Nam) Nguyễn Thị Lý, thể dục nghệ thuật là môn khó phát triển vì có những đặc thù riêng. Vận động viên phải có những bộ thảm, sàn tập, dụng cụ, trang phục... dành riêng. Trình độ huấn luyện viên cũng phải bảo đảm để có thể đào tạo được những vận động viên tốt nhất. Hiện nước ta chỉ có một số ít huấn luyện viên có trình độ quốc tế như: Phùng Lê Thi, Nguyễn Thu Hà... Vì vậy, môn thể dục nghệ thuật gần như chỉ phát triển ở những thành phố lớn, rất khó để phát triển ở các địa phương khác.
Phụ trách môn thể dục, Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Bùi Trung Thiện cho hay, với tố chất thể hình nhỏ bé, dẻo dai, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển môn thể dục nghệ thuật. Nhưng trên thực tế, để phát triển bộ môn này ở nước ta theo hướng chuyên nghiệp còn nhiều khó khăn. Do đặc thù, cần sự đầu tư trong quãng thời gian dài mới có được 1 vận động viên đỉnh cao. Thêm vào đó, chi phí cho bộ môn này khá tốn kém, thiếu nguồn huấn luyện viên có trình độ cao..., khiến các địa phương không mấy mặn mà trong việc đầu tư.
Huấn luyện viên trưởng đội tuyển thể dục nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Thu Hà cho hay, để đào tạo được 1 vận động viên tham gia thi đấu cần mất ít nhất 4 năm và thường đào tạo từ lúc vận động viên còn rất nhỏ, muộn nhất cũng chỉ trong khoảng 6-7 tuổi. Trong thời gian đào tạo sẽ có những khó khăn, yêu cầu cao về kỹ thuật cũng như thể hình. Cho nên có nhiều vận động viên khó kiên trì theo được và chuyển sang hướng khác khiến các huấn luyện viên phải đi tuyển quân, đào tạo lại từ đầu. Điều này khiến số lượng vận động viên dừng lại ở mức khiêm tốn.
Đầu tư bài bản để phát triển đường dài
Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh nhận xét, thời gian qua, số lượng vận động viên tham dự giải vô địch quốc gia đã có sự tăng trưởng, chất lượng vận động viên cũng được nâng lên rõ rệt. Điều này cho thấy các định hướng của ngành thể dục thể thao và Liên đoàn Thể dục Việt Nam đang mang lại kết quả tích cực.
“Tuy nhiên, với trình độ hiện tại, các vận động viên nói chung vẫn chỉ có thể đạt thành tích ở khu vực Đông Nam Á. Muốn vươn ra châu lục và thế giới, cần có sự đầu tư bài bản ở cả hệ phong trào và đỉnh cao”, ông Nguyễn Hồng Minh nói.
Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật (Liên đoàn Thể dục Việt Nam) Nguyễn Thị Lý thông tin, Liên đoàn Thể dục Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo huấn luyện, trọng tài môn thể dục nghệ thuật. Thời gian qua, phía Liên đoàn đã mời các chuyên gia từ Liên đoàn Thể dục thế giới về Việt Nam thực hiện công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện viên, trọng tài của Việt Nam. Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch mở rộng các giải đấu mang tính chất phong trào ở các tỉnh. Thông qua những giải đấu này, các tuyển trạch viên sẽ có thêm cơ hội kiểm tra, tuyển chọn lực lượng vận động viên trẻ, chuẩn bị lứa kế cận cho đội tuyển quốc gia.
Huấn luyện viên trưởng đội tuyển thể dục nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Thu Hà cho hay, nhiều năm nay Ban Huấn luyện đội tuyển thể dục nghệ thuật Việt Nam vẫn đặt niềm tin vào những gương mặt vận động viên chủ lực như: Nguyễn Hà My, Ngô Hải Yến, Nguyễn Hồng Nhung, Nguyễn Trúc Phương… Lứa vận động viên này hoàn toàn đủ sức tranh chấp huy chương ở đấu trường Đông Nam Á, nhưng nếu không có sự chuẩn bị lứa vận động viên kế cận ngay từ bây giờ, thể dục nghệ thuật Việt Nam sẽ khó vươn tầm châu lục.
Phụ trách môn thể dục (Cục Thể dục thể thao) Bùi Trung Thiện khẳng định, thời gian tới, bộ môn sẽ phối hợp với Liên đoàn Thể dục Việt Nam phát triển hệ thống các câu lạc bộ thể dục, khiêu vũ thể thao đến tất cả các địa phương trong cả nước, đồng thời xây dựng hệ thống thi đấu quốc gia ổn định, đa dạng, tạo cơ hội hiệu quả giúp các vận động viên nâng cao trình độ tập luyện và thi đấu; hỗ trợ tối đa cho đội tuyển trẻ thể dục nghệ thuật về điều kiện tập luyện, để có thể nắm bắt cơ hội nếu được dự các giải quốc tế. Cùng với đó sẽ có sự đầu tư trọng điểm cho một số vận động viên tài năng đặc biệt đi tập huấn ở nước ngoài, hướng tới đấu trường ASIAD và Olympic.
Để làm được điều này cũng cần sự chung tay của các địa phương bên cạnh nguồn kinh phí từ Cục Thể dục thể thao cũng như Liên đoàn Thể dục Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết