Vở rối "Thế giới thần tiên" hấp dẫn khán giả bởi sự đầu tư sân khấu công phu.
"Thế giới thần tiên" được phóng tác từ truyện cổ tích nổi tiếng "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn". Ðến với vở diễn, công chúng nhỏ tuổi vẫn gặp lại những nhân vật quen thuộc như: nàng Bạch Tuyết xinh đẹp, bảy chú lùn vui tính; mụ hoàng hậu độc ác, chiếc gương phép thuật…, nhưng sẽ được tham gia vào hành trình mới đầy thú vị để cảm hóa cái ác, cái xấu. Ở đó, bằng trái tim nhân hậu, tâm hồn đẹp đẽ, nàng Bạch Tuyết không những nhận được sự giúp đỡ của những người tốt bụng chung quanh mà còn được đội quân cá sấu dữ bảo vệ trên hành trình vượt rừng thiêng nước độc để đến với nơi ở của bảy chú lùn. Ở đó, trên hành trình đi vào rừng sâu để tìm và hãm hại Bạch Tuyết, hoàng hậu cũng phải đối mặt với đàn cá sấu hung tợn nhưng đã được chúng tha mạng khi bà bày tỏ sự ăn năn hối lỗi và hứa sẽ thay đổi. Ðược gặp gỡ những con người bao dung, ý định làm hại Bạch Tuyết của hoàng hậu không những tan biến mà bà còn tình nguyện ở lại mảnh đất này, nơi không có những mưu tính lọc lừa, chỉ có những người bạn hồn hậu, chất phác… Sự đan cài khéo léo của những chi tiết vừa quen, vừa lạ ấy trong một tiếng diễn ra vở diễn đem đến nhiều ngạc nhiên thích thú cho những khán giả nhí. Bên cạnh đó, sự xuất hiện duyên dáng, hài hước của nhân vật chú hề ở góc sân khấu trong vai trò người dẫn chuyện với những câu hỏi tương tác sôi nổi cùng người xem đã tạo nên bầu không khí đầy sôi động, hào hứng, góp phần làm sâu sắc hơn những bài học giá trị được lồng gắn trong vở diễn về tình yêu thương, sự sẻ chia, tính tự lập, tình yêu lao động…
Ðiều thú vị là những thông điệp giáo dục nhân văn ấy đã được chuyển tải thật nhẹ nhàng, tự nhiên thông qua những sáng tạo nghệ thuật tinh tế trên sân khấu. Với "Thế giới thần tiên", các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã tiếp tục khẳng định được thế mạnh của mình trong việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ rối nước và rối cạn, giữa nhân vật con rối và người thật trên sân khấu. Sự dụng công trong thiết kế sân khấu đa tầng tạo chiều sâu, độ rộng cho không gian vở diễn, đặc biệt là sự chuyển động đầy linh hoạt của cảnh trí cùng ánh sáng, âm thanh đã tạo nên hiệu ứng thị giác vô cùng bắt mắt. Nhiều cảnh diễn khiến các em nhỏ và cả các bậc phụ huynh cũng phải thốt lên trầm trồ vì quá mãn nhãn, nhất là ở những cảnh thể hiện vẻ đẹp vừa lãng mạn, vừa diệu kỳ của xứ sở thần tiên, với không gian đêm huyền ảo được thắp sáng bởi hàng nghìn con đom đóm lập lòe, sắc mầu diệu kỳ của hoa rừng, cây cối dưới ánh trăng trong cơn mưa bong bóng… Một vở diễn dành cho thiếu nhi nhưng rõ ràng đã khẳng định được sự chăm chút, chỉn chu trong lao động nghệ thuật của đội ngũ sáng tạo, biểu diễn.
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, chỉ đạo nghệ thuật kiêm đạo diễn của vở diễn cho biết: 100% các con rối xuất hiện trong vở diễn, từ các nhân vật chính đến thiên nga, đom đóm, cá sấu… đều được đầu tư làm mới. Các nghệ sĩ vừa tập, vừa hoàn thiện con rối, có những con phải điều chỉnh nhiều lần mới đáp ứng đúng ý đồ nghệ thuật mà nhóm dàn dựng muốn thể hiện. Theo đạo diễn, thách thức lớn nhất khi dàn dựng vở diễn này là xử lý những chuyển động của con rối từ sàn diễn xuống mặt nước và ngược lại. Trong vở, Bạch Tuyết, bảy chú lùn, hoàng hậu đều là những nhân vật xuất hiện cả dưới nước và trên cạn cho nên không những cần đầu tư cho tạo hình con rối để phù hợp từng lớp diễn mà còn cần kỹ thuật xử lý một cách nhuần nhuyễn, khéo léo để tạo nên sự nhịp nhàng, ăn khớp khi nhân vật di chuyển giữa hai không gian. Bên cạnh đó là đòi hỏi về việc xử lý tổng hòa giữa các trang trí chuyển động trên sân khấu, bảo đảm trang trí cũng trở thành nhân vật của vở diễn. Ðể có thể làm được điều này, đội ngũ nghệ sĩ của nhà hát đã phải tập luyện với cường độ cao, liên tục di chuyển phía sau, trên và dưới sân khấu nhằm bảo đảm sự kết hợp khoa học, chuẩn xác nhất. Ðơn cử, để thể hiện cảnh diễn có sự xuất hiện của cả Bạch Tuyết và bảy chú lùn, cần tới 14 nghệ sĩ cùng nhau hợp tác điều khiển, chưa kể những nghệ sĩ đảm nhận việc tạo ra những hiệu ứng chuyển động về cảnh trí, không gian sân khấu.
Ðược biết, dù chưa quảng bá rầm rộ nhưng sau thời gian ngắn ra mắt, vở diễn đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của những khán giả nhí. Ngoài các suất diễn cố định thường xuyên cháy vé vào thứ bảy hằng tuần, vở diễn cũng đều đặn nhận được hợp đồng biểu diễn trong tuần từ các đối tác. Ðiều này khẳng định, sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ đã tìm được đường đến với khán giả. Ðây cũng là hướng đi kiên định của Nhà hát Múa rối Việt Nam nhằm chinh phục nhiều đối tượng khán giả đến với sân khấu rối, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là "cánh chim đầu đàn" của nghệ thuật rối Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết