Việt Nam quyết tâm bảo vệ thành tích, vào tốp đầu tại SEA Games 32

Theo mục tiêu đặt ra, đội tuyển điền kinh gánh vác khoảng 1/6 số lượng Huy chương vàng cho Ðoàn Thể thao Việt Nam. Riêng ở môn bơi, “kình ngư” Nguyễn Huy Hoàng được kỳ vọng sẽ giành nhiều Huy chương vàng. Vật và thể dục dụng cụ là hai môn vận động viên nước ta rất có thế mạnh.

Nguyễn Thị Oanh (áo đỏ) cùng Ðội tuyển điền kinh tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 32. (Ảnh MỸ HÀ)

Với những điểm nhấn đặc biệt này, Ðoàn Thể thao Việt Nam đang hướng tới tiếp tục nằm trong tốp ba đoàn dẫn đầu tại SEA Games 32.

Tại SEA Games 31 trên sân nhà, Ðội tuyển điền kinh lập một kỷ lục cả về số lượng vận động viên lẫn thành tích với 60 tuyển thủ giành tới 22 Huy chương vàng (HCV). Ðến SEA Games 32, điền kinh Việt Nam tiếp tục là đội tuyển đông nhất với 54 tuyển thủ tham dự 38 trên tổng số 47 nội dung.

“Mỏ vàng” điền kinh và thách thức

Ðáng chú ý, điền kinh tiếp tục là môn có đích nhắm “khủng” chiếm 14 đến 16 HCV. So với kỳ đại hội cách đây một năm, ngoài ưu thế sân nhà, sức mạnh của điền kinh Việt Nam phần nào bị suy giảm, rõ nhất với sự vắng mặt của bốn nhà đương kim vô địch vì các lý do khác nhau. Trong khi đó, Thái Lan là đối thủ cạnh tranh chính ở nhiều nội dung trực tiếp, đang tiếp tục vươn lên mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, điền kinh Việt Nam với thực lực cùng tương quan so sánh, vẫn hoàn toàn đủ sức để hoàn thành mục tiêu đề ra. Vận động viên (VÐV) Nguyễn Thị Oanh thể hiện đẳng cấp vượt trội. Tại SEA Games 32 tới đây, lịch thi đấu dồn dập đẩy ba nội dung mà Nguyễn Thị Oanh tranh tài chỉ cách nhau hơn 31 giờ đồng hồ. Nguyễn Thị Oanh là một trong những vận động viên có chỉ tiêu giành nhiều HCV cá nhân nhất cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32.

Cô gái Bắc Giang tiếp tục được giao trọng trách bảo vệ ba HCV ở nội dung sở trường chạy 1.500m, 3.000m chướng ngại vật và 5.000m nữ. Ðây đều là những nội dung mà Oanh đã giữ trong hai kỳ SEA Games liên tiếp. Ngoại trừ SEA Games 29 (Malaysia 2017) không có nội dung 3.000m chướng ngại vật nữ, Oanh đã có tổng cộng tám HCV. Mục tiêu của Oanh là nâng số HCV cá nhân ở các kỳ Ðại hội Thể thao Ðông Nam Á lên con số 11. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ rất khó khăn khi năm nay chủ nhà Campuchia xếp lịch thi đấu rất hiểm hóc.

Theo lịch sơ bộ của chủ nhà SEA Games 32, môn điền kinh sẽ diễn ra trong sáu ngày. Marathon (chạy 42,195km và đi bộ 20km) sẽ tổ chức ở Siem Reap ngày 6/5. Ðây là một địa điểm du lịch nổi tiếng với quần thể kỳ quan thế giới hiện đại Angkor Wat và cũng là nơi tổ chức khá nhiều giải chạy nổi tiếng của Campuchia. Tâm điểm môn điền kinh vẫn là những nội dung thi đấu trong sân vận động, tổ chức tại thủ đô Phnom Penh từ ngày 8 đến 12/5.

Trong số 47 nội dung của điền kinh, Nguyễn Thị Oanh là một trong những VÐV thi đấu cá nhân nhiều nhất. Ðây là nội dung ghi dấu ấn đậm nét của Oanh khi hai kỳ gần đây nhất, ngoài việc giành HCV, Oanh liên tiếp thiết lập kỷ lục SEA Games 30 và SEA Games 31.

Cùng với đó, điền kinh Việt Nam còn có các nhà đương kim vô địch hay ứng viên sáng giá ở các cự ly thế mạnh như Hồng Lệ (10.000m nữ), Nguyên Thanh (marathon nam), Trung Cường (3.000m chướng ngại vật nam), Ðức Phước (800 và 1.500m nam), Tiến Trọng (nhảy xa nam), Linh Na (7 môn phối hợp nữ), Bùi Thị Nguyên (100m rào nữ). Riêng tổ 400m nữ, với chủ lực Nguyễn Thị Huyền cũng được tin tưởng mang về ba HCV, chưa kể có thể cạnh tranh HCV ở đường chạy tiếp sức hỗn hợp nam nữ. Nhà vô địch ASIAD Thu Thảo vẫn hội tụ các yếu tố cạnh tranh ngôi đầu nhảy xa nữ. Ngoài ra, điền kinh Việt Nam còn có năm đến bảy nội dung khác, có khả năng đua tranh HCV ở mức 50-50 có thể tận dụng, phát huy.

Ðô vật Bùi Tiến Hải (dưới) được kỳ vọng bảo vệ thành công HCV vật cổ điển hạng 60kg tại SEA Games 32. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Những thế mạnh được kỳ vọng

Một năm trước, ở đội tuyển bơi, “kình ngư” Nguyễn Huy Hoàng thay thế đàn chị Ánh Viên trở thành ngôi sao sáng nhất của SEA Games 31 với năm lần đăng quang. Ở SEA Games 32, “kình ngư” quê Quảng Bình vẫn là cá nhân quan trọng bậc nhất của cả đoàn thể thao Việt Nam với trọng trách bảo vệ năm HCV.

Ðể hoàn thành trọng trách, vấn đề quan trọng đặt ra cho Hoàng cùng các huấn luyện viên phải có chiến thuật chuẩn bị, thi tài, cùng sự phân phối sức tối ưu nhất. Mới đây, “kình ngư” sinh năm 2000 đã được chọn là người cầm cờ của đoàn Thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc SEA Games 32. Ðây là kỳ đại hội thể thao lớn thứ ba liên tiếp, anh nhận vinh dự này.

Ở riêng đấu trường SEA Games qua tất cả các kỳ đại hội, đội tuyển vật Việt Nam luôn thể hiện sức mạnh vượt trội, mà đỉnh cao là chiến tích đoạt tới 17 HCV ở kỳ Ðại hội trước. Ðến SEA Games 32, đội tuyển vật Việt Nam sẽ gặp thử thách, trực tiếp từ đoàn chủ nhà Campuchia với sự xuất hiện của nhiều đô vật Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran nhập tịch. Ban tổ chức cũng khống chế số nội dung tối đa các đoàn được đăng ký (chỉ 6/10 hạng cân với cả 3 nội dung vật cổ điển, vật tự do nam, vật tự do nữ). Ðó là lý do Việt Nam chỉ đặt ra mục tiêu khá khiêm tốn là 9 đến 12 HCV.

Một đội tuyển khác cũng sẽ có hiệu quả tranh chấp huy chương cao đặc biệt là thể dục dụng cụ nam, khi sáu nam tuyển thủ đua tranh 2 đến 3 HCV.

Ðoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 với 1.003 thành viên. Ngoài một trưởng đoàn, hai phó đoàn, có 189 huấn luyện viên, 702 vận động viên, 30 cán bộ, 38 lãnh đội và 10 chuyên gia, nhưng chỉ có 31 bác sĩ làm nhiệm vụ phục vụ 702 vận động viên ở 31 môn. Trong đó, riêng hai đội tuyển bóng đá có năm bác sĩ. Trung bình cứ 22 vận động viên ở SEA Games 32 mới có 1 bác sĩ chăm sóc.

Tổng cục Trưởng Thể dục-Thể thao Ðặng Hà Việt kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 nhấn mạnh: Ðây là kỳ Ðại hội mà thể thao Việt Nam phải đối mặt nhiều thách thức bởi chúng ta đã có một kỳ SEA Games 31 thành công với nhiều kỷ lục được phá. Với tinh thần cộng đồng trách nhiệm của ASEAN, Thể thao Việt Nam sẽ nỗ lực thi đấu đạt thành tích tốt nhất, phấn đấu có mặt trong tốp ba nước dẫn đầu SEA Games 32 với 90 đến 120 HCV.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục