Để nâng cao kỹ thuật chuyên môn, đặc biệt là các bệnh lý cấp tính về tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp, tháng 6-2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập Phòng Can thiệp tim mạch. Phòng được đầu tư lắp đặt hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) hiện đại. Hệ thống DSA thực hiện chụp động mạch vành qua da giúp các bác sỹ phát hiện sớm các tình trạng bất thường của dòng máu; hỗ trợ cho việc chẩn đoán và điều trị chính xác các bệnh lý nghiêm trọng có liên quan đến sự tuần hoàn của máu trong cơ thể, giúp cho việc lên kế hoạch giải phẫu và xác định chính xác các vị trí tổn thương bên trong cơ thể, kỹ thuật điều trị triệt để, thời gian phục hồi sớm, nhẹ nhàng cho người bệnh. Các kỹ thuật chụp và can thiệp tim mạch đã giải quyết triệt để các trường hợp bệnh mà trước đây phải chuyển viện hoặc gây nguy cơ tử vong cao như: Các bệnh lý hẹp mạch vành, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, các bệnh lý van tim, cấu trúc tim... Đồng thời, có thể nong và đặt Stent động mạch vành ngay tại Phòng Can thiệp tim mạch. Nhờ đó, nhiều trường hợp bệnh lý tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim đã được cứu sống.
Một ca can thiệp mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ông Lý Văn Tinh, 50 tuổi, xã Thanh Tương (Na Hang) cho biết, hiện ông cảm thấy trong người rất khỏe, có thể lên xuống cầu thang, ăn cơm ngon miệng, thậm chí có thể lao động nhẹ, khuân vác đồ vật không quá nặng. Trước đó, ông nhập viện cấp cứu vì cơn đau ngăn ngực, khó thở. Sau khi được các bác sỹ cấp cứu, chụp mạch vành qua da, ông được chẩn đoán tổn thương động mạch vành liên thân, tụt huyết áp, ngừng tim, tuần hoàn dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nhưng may mắn, các bác sỹ đã can thiệp đặt Stent động mạch vành, thoát khỏi cơn bệnh nguy cấp. Sau 7 ngày điều trị, ông Tinh ra viện trong niềm hân hoan của gia đình.
Bác sỹ Phạm Ngọc Tân, Trưởng Phòng Can thiệp tim mạch, Phó Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, thời gian đặt Stent động mạch vành trung bình 30-45 phút, sau đó, bệnh nhân được đưa ra phòng theo dõi. Từ 5 đến 7 ngày, bệnh nhân có thể xuất viện. Tỷ lệ tái hẹp mạch vành nơi đặt Stent thấp. Trong khi đó, nếu không đặt Stent, vùng cơ tim phía sau bị thiếu máu nuôi, hậu quả làm bệnh nhân suy tim, ảnh hưởng đến tính mạng. Khoảng thời gian trong vòng 6 tiếng kể từ khi có triệu chứng đau ngực đến khi nhập viện được gọi là “thời gian vàng” trong điều trị bệnh nhồi máu cơ tim cấp, người bệnh cần phải nhập viện sớm để được cấp cứu kịp thời. Trước đây, bệnh nhân chỉ được điều trị nội khoa dùng thuốc, hoặc chuyển lên tuyến trên, vừa tốn kém chi phí, lại bỏ lỡ “thời gian vàng”, dẫn đến hiệu quả điều trị thấp. Kỹ thuật đặt Stent mạch vành được thực hiện thành công tại bệnh viện góp phần vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Phòng Can thiệp tim mạch đã điều trị hơn 226 ca bệnh nhồi máu cơ tim cấp và bệnh đột quỵ cấp. Trong đó có 25 ca cấp cứu nhồi máu cơ tim, đột quỵ cấp và 201 ca bệnh hẹp động mạch vành, nong và đặt Stent... đều được can thiệp thành công. Đây là bước đột phá trong công tác điều trị bệnh tim mạch tại tuyến tỉnh, mang lại niềm vui cho người bệnh.
Gửi phản hồi
In bài viết