Khám sàng lọc ung thư vú cho người dân tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. (Ảnh VŨ HƯƠNG)
Bảo hiểm y tế là một chính sách an sinh xã hội quan trọng, là cơ chế tài chính công để bảo đảm nguồn lực bền vững cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.
Đề xuất gói bảo hiểm y tế bổ sung
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), nhằm đạt mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân cần huy động đủ nguồn tài chính đáp ứng yêu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân; đồng thời giảm chi trực tiếp từ tiền túi, hạn chế rào cản tài chính trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mặt khác, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu, kỹ thuật cao (có mức đồng chi trả lớn)...
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đề xuất gói bảo hiểm y tế bổ sung nhằm tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết bổ sung chính sách bảo hiểm y tế là một trong những điểm quan trọng trong Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; bảo đảm tính tiên tiến, hội nhập quốc tế trong xây dựng chính sách. Mục đích xây dựng gói bảo hiểm y tế bổ sung là bổ sung gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế bắt buộc (như hiện nay đang áp dụng), tăng quyền lợi, giảm chi từ tiền túi của người bệnh; để người bệnh tiếp cận dịch vụ tốt hơn, thậm chí có thể lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ. Phạm vi chi trả của gói không trùng lặp với phạm vi được hưởng và mức hưởng của bảo hiểm y tế bắt buộc. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân mua, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế bổ sung, khuyến khích các tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung theo nguyên tắc phi lợi nhuận.
Gói bảo hiểm y tế bổ sung này là tự nguyện, người dân tham gia trên cơ sở đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Gói bảo hiểm y tế bổ sung sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được bảo hiểm y tế cung cấp.
Về mức phí cho bảo hiểm y tế bổ sung, hiện nay sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lặp với bảo hiểm y tế bắt buộc.
Một số quyền lợi gói bảo hiểm y tế bổ sung mang tính chất nâng cao như quyền sử dụng thuốc, dịch vụ y tế theo yêu cầu, thuốc có chi phí cao chưa được bảo hiểm y tế bắt buộc chi trả, người dùng bảo hiểm y tế được lựa chọn cơ sở y tế cho mình... Các cơ quan chức năng sẽ đề xuất cơ chế pháp lý rõ ràng để giám sát việc thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung.
Tuy nhiên, đây là chính sách mới có liên quan đến quyền của người tham gia bảo hiểm y tế cho nên các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính y tế, cơ quan quản lý nhà nước liên quan cho rằng cần có những điều chỉnh ở cấp độ luật để đồng bộ với những luật khác có liên quan.
Đáng chú ý, đây là gói bảo hiểm y tế mang tính chất tự nguyện của người đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc rồi, cho nên các quy định phải chi tiết, rõ ràng để bảo đảm quyền của người tham gia về phạm vi chi trả, về sự không trùng lặp về quyền lợi.
Hiện nay, số tiền bệnh nhân đồng chi trả chiếm khoảng 9% tổng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Dự kiến, chi từ tiền túi khi đi khám, chữa bệnh ngoại trú sẽ giảm 25% khi áp dụng hình thức bảo hiểm y tế tự nguyện và mức giảm khi đi khám chữa bệnh nội trú sẽ là 41%. Như vậy, giảm tổng chi tiền túi sẽ là khoảng 20 đến 31%.
Ngoài ra, bảo hiểm y tế bổ sung cũng giúp tăng tiếp cận dịch vụ y tế bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu, kỹ thuật cao (có mức đồng chi trả lớn), huy động thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe...
Bảo hiểm y tế chi trả chi phí sàng lọc một số bệnh hiểm nghèo
Theo quy định hiện hành, các dịch vụ khám sàng lọc, điều trị sớm bệnh tật mặc dù có nhiều bằng chứng về hiệu quả, tiết kiệm chi phí nhưng chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. Vì vậy, việc điều chỉnh, bổ sung phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế là cần thiết và theo đúng định hướng "Mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế".
Tuy nhiên việc mở rộng đến đâu cần được đánh giá một cách toàn diện trong bối cảnh nhu cầu càng cao nhưng nguồn tài chính quỹ còn hạn chế. Đặc biệt việc xem xét mở rộng các quyền lợi về dịch vụ sàng lọc chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể, chính xác để lựa chọn được các dịch vụ có tính chi phí-hiệu quả nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu ban đầu, đánh giá tác động và kinh nghiệm tại một số nước, Bộ Y tế đề xuất phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế về chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh trong Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.
Theo đó, Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm các nhóm bệnh như: ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C. Việc mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng bảo hiểm y tế của người dân nhằm đồng bộ về chính sách với Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ đầu năm 2024, cũng như chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay chỉ có các dịch vụ y tế mang tính chất thuần túy là điều trị mới được bảo hiểm y tế chi trả, tuy nhiên việc sàng lọc, chẩn đoán bệnh sớm là một phần quan trọng để việc điều trị đạt kết quả tốt. Khi bệnh được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, việc điều trị trở nên đơn giản hơn, giảm chi phí điều trị, tránh được việc phải nhập viện dài hạn hoặc sử dụng các dịch vụ y tế đắt tiền, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho cá nhân và hệ thống y tế cũng như Quỹ Bảo hiểm y tế.
Thạc sĩ Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho rằng, việc đề xuất năm nhóm bệnh được bảo hiểm y tế chi trả trong khám, chữa bệnh ban đầu sẽ giúp sàng lọc được những nguy cơ; nếu bệnh chuyển nặng, sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị và thời gian. Về mặt sức khỏe, nếu phát hiện sớm, người bệnh sẽ được điều trị sớm và đỡ tốn kém cả về ngân sách, thời gian và sự tổn hại về tinh thần. Quy định về sàng lọc, dự phòng, tư vấn, chẩn đoán sớm sẽ có điều kiện, có lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự kiến, cần phải có đánh giá toàn diện, cụ thể, nhất là cần có đánh giá tác động và khả năng chi trả của quỹ.
Gửi phản hồi
In bài viết