Thessaloniki là nơi quá khứ và hiện tại “sống” cùng nhau.
Quá khứ trên từng góc phố
Thessaloniki nằm ở phía bắc vịnh Thermaic, ngay dưới chân núi Chortiatis hùng vĩ. Thành phố cảng này được chia làm ba phần. Khu vực tây bắc thành phố nằm trong phạm vi bức tường thành cổ từ thời đế chế Byzantine. Đây là nơi có khu Phố Trên (trong tiếng Hy Lạp là “Ano Poli”) nổi tiếng thế giới. Khu trung tâm Thessaloniki tập trung hầu hết dân cư và các hoạt động thương mại, giải trí. Còn khu vực phía đông nam thành phố có các bãi biển xen lẫn một vài ngôi làng, thị trấn.
Đa phần đường phố ở Thessaloniki chạy song song với đường bờ biển. Có một quy tắc đơn giản mà khách đến thăm Thessaloniki nên nhớ là nếu con phố trở nên dốc xuống, cứ đi thuận chiều sẽ ra đến biển.
Đa số khách du lịch bắt đầu hành trình khám phá Thessaloniki từ quảng trường Aristotelous - được thiết kế bởi kiến trúc sư Pháp Ernest Hébrard theo một phong cách kiến trúc kết hợp yếu tố Byzantine cổ với châu Âu đương đại. Quảng trường nhìn ra mặt biển thơ mộng; buổi tối, dân Thessaloniki đổ ra đây để hóng gió và thưởng thức màn trình diễn của các nghệ sĩ trong và ngoài nước. Aristotelous là nơi thường xuyên tổ chức những buổi hòa nhạc, chiếu phim, biểu diễn xiếc, hội chợ...
Du khách từ Aristotelous cứ đi theo hướng đông men theo mặt biển sẽ đến Tháp Trắng, biểu tượng của Thessaloniki. Sau khi đế chế Otttoman chiếm được Thessaloniki vào thế kỷ XV, họ cho xây dựng tòa tháp cùng với tường thành để bảo vệ thành phố. Khi đó, công trình này được gọi là “tháp Máu” vì người Ottoman giam giữ và hành quyết tù binh tại đây. Truyện kể rằng vào năm 1980, một tù nhân vì muốn được ân xá đã cố công sơn trắng tòa tháp từ đầu đến chân. Cũng từ đó, tòa tháp có tên gọi mới là Tháp Trắng.
Đứng trên đỉnh Tháp Trắng, du khách có cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh thành phố lẫn biển Aegea đã đi vào thi ca cổ đại nhờ sự lãng mạn. Bên trong tháp là một bảo tàng nhỏ, nơi trưng bày các di vật cổ thời Byzantine và Ottoman.
Điểm xuyết cho cảnh sắc Thessaloniki là những khu di tích cổ nằm rải rác khắp thành phố. Một trong số di tích nổi bật là cổng vòm Galerius, hay còn được người dân địa phương gọi bằng cái tên Kamara. Cổng vòm được xây vào thế kỷ IV nhằm kỷ niệm chiến thắng của hoàng đế La Mã Galerius trước quân Ba Tư. Công trình làm từ đá cẩm thạch và chạm khắc cảnh những trận chiến của Galerius xen lẫn tranh minh họa các điển tích, thần thoại Hy Lạp cổ. Cổng Galerius đã được UNESCO công nhận là Khu di sản thế giới vào năm 1988.
Ngay gần Kamara là một di sản thế giới khác: Nhà tròn Rotunda. Công trình này vốn được hoàng đế Galerius xây cùng với cổng Galerius. Vị hoàng đế muốn được chôn tại Rotunda, nhưng sau đó đổi ý và đặt mộ của mình ở Gamzigrad, Serbia. Sau này, hoàng đế Theodosius I cho sửa Rotunda thành nhà thờ Công giáo, rồi đến năm 1591, đế chế Ottoman lại biến nó thành thánh đường Hồi giáo. Phải đến năm 1912, người Hy Lạp chiếm lại được Thessaloniki từ tay Ottoman thì Rotunda mới trở lại là nhà thờ. Công trình từng phải hứng chịu không ít trận động đất và sau đó là những giai đoạn trùng tu kéo dài. Bên trong Rotunda, du khách sẽ nhìn thấy những nét chạm khắc có từ thời La Mã “sánh vai” với gạch lát màu Ba Tư và bức bích họa do cố danh họa người Anh Alexander Rossi sáng tác.
Thessaloniki không thiếu những nhà thờ có tuổi đời hàng thế kỷ. Có thể kể đến Nhà thờ thánh Demetrius - khu di sản thế giới được xây dựng vào giữa thế kỷ VII. Ngày nay vẫn còn hàng nghìn tín đồ đạo Chính thống hằng năm hành hương đến nhà thờ này để cầu nguyện và chiêm ngưỡng những di vật của thánh Demetrius. Công trình còn là ví dụ tiêu biểu cho lối kiến trúc phổ biến thời đế chế Byzantine cực thịnh.
Nhà thờ Hagia Sophia ở Thessaloniki là một trong các nhà thờ cổ nhất tại châu Âu. Cho dù Thessaloniki có nằm trong tay đế chế nào đi nữa, nhà cầm quyền luôn tỏ ý kính trọng công trình tôn giáo này. Nhờ vậy mà nhà thờ Hagia Sophia vẫn còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc cổ lẫn các hiện vật lịch sử.
Thành phố hội hè
Nơi tốt nhất để thưởng thức cuộc sống về đêm ở Thessaloniki là phố đi bộ Egiptou. Nơi đây tập trung rất nhiều quán cà phê, bar, vũ trường và nhà hàng. Giới trẻ theo học tại các trường đại học quanh Egiptou đều đổ ra đây vào buổi tối. Còn nếu khách du lịch muốn có một trải nghiệm gần gũi hơn, hãy ghé qua phố Karipi hay ngôi làng Agios Pavlos gần bãi biển cùng tên. Dân địa phương hay đến đây để thưởng thức bữa tối và xem những nghệ sĩ người Digan biểu diễn.
Cứ đến cuối tuần, Thessaloniki lại trở thành một “bữa tiệc” lớn. Nhiều gia đình, tổ dân phố tổ chức tiệc ngoài trời, và họ sẵn sàng mời những vị khách phương xa chung vui với mình. Trên những con phố lớn như Nikis, người ta ăn uống, đàn hát, nhảy múa tưởng như sập trời được. Cho dù du khách chọn hòa mình vào dòng người dưới đường hay tìm cho mình một góc trong quán bar nào đó để ngắm nhìn cái vui của người ta, chắc chắn bạn sẽ có một kỷ niệm không thể nào quên được.
Gửi phản hồi
In bài viết