Thích ứng để phát triển…

- Dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở nước ta làm cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và tiểu thương khốn đốn vì các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bị đứt gãy. Để tồn tại và phát triển không có cách nào khác là phải tự thích ứng với những khó khăn do đại dịch gây ra, đây cũng được coi là cơ hội cho những sáng tạo, đổi mới.

Không gục ngã

“Mình không thể gục ngã, dẫu đã ngấm đòn bởi dịch bệnh gây ra”. Anh Nguyễn Trọng Thể, Giám đốc Công ty Du lịch Hoàng Gia (TP Tuyên Quang) chia sẻ như vậy. Anh bảo, chưa khi nào ngành du lịch gặp nhiều khó khăn như hơn 2 năm vừa rồi khi tất cả các dịch vụ bị đứt gãy bởi khách hủy tour do yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Những dự định cho tương lai, gắn kết du khách Tuyên Quang với các tỉnh, thành phố của anh cũng bị dừng lại. Nhưng không vì thế mà anh bỏ nghề, bởi “đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”, vậy nên, anh cố xoay xở để bám nghề, giữ nghề cho kỳ được.

Công ty Du lịch Hoàng Gia của anh Thể cũng như các công ty du lịch trên địa bàn tỉnh rơi vào tình cảnh không có việc làm từ đầu năm đến giờ nhưng điểm chung ở họ là không đăng ký tạm dừng hoạt động hay phá sản. Bởi, theo anh Thể càng khó khăn càng phải nỗ lực thì thành quả sẽ đến. Anh tin rằng, dịch bệnh qua đi, khi cả nước thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh, đạt miễn dịch cộng đồng, ngành du lịch lúc đó sẽ bật tung.

Điều đó sẽ đến, anh tin như vậy, nhất là khi các dự án phát triển du lịch của tỉnh đang được triển khai như Khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng công cộng thuộc Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, kết nối du lịch Na Hang - Ba Bể  được thực hiện bởi Tập đoàn Sun Group... sẽ mở ra cơ hội lớn để đón khách du lịch về Tuyên Quang. Vậy nên, trong khoảng thời gian trầm lắng này, anh triển thai thêm dự án nước xanh học đường để trang trải hoạt động của công ty, để khi dịch bệnh qua đi, nghề du lịch không ngừng phát triển, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Nhân viên Agribank Sơn Dương hướng dẫn người dân chuyển tiền qua tài khoản bằng điện thoại thông minh.

Nói về dự án nước xanh học đường, anh Thể phấn khởi bảo, thực sự là anh làm những điều mà thị trường cần thôi, khi yêu cầu đẩy lùi rác thải nhựa đang được cả cộng đồng quan tâm thực hiện. Trước đây, các trường học sử dụng các bình nhựa đựng nước, học sinh mang chai nước nhựa đến lớp để uống, vô tình đã đưa rác thải nhựa ra môi trường. Rác thải nhựa rất khó phân hủy, thử hỏi mỗi học sinh mang chai đựng nước bằng nhựa đến trường mỗi ngày rồi thải ra môi trường thì thật nguy hại. Vậy nên, anh đã phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố, huyện Yên Sơn lắp đặt miễn phí máy lọc nước ở các lớp học, anh chỉ thu phí mỗi học sinh 10 nghìn đồng/tháng, mức đóng góp này rất phù hợp với học sinh nên đã được đông đảo phụ huynh và người dân hưởng ứng. Công ty tiếp tục mở rộng ra các trường học trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và chung tay đẩy lùi rác thải nhựa.

Anh Thể cho biết, cách làm này dẫu thu nhập không cao nhưng đủ để công ty trang trải hoạt động, hỗ trợ người lao động 50% lương tháng trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Cơ hội mới…

Doanh nghiệp, doanh nhân và các tiểu thương phải đối mặt với không ít thách thức từ những ảnh hưởng của đại dịch nhưng đây cũng là cơ hội để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Chị Kiều Oanh ở thôn   Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) xưa nay đâu có biết sử dụng điện thoại thông minh để bán nông sản, đâu có biết chuyển khoản như thế nào, ấy vậy mà giờ chị làm thoăn thoắt. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chị buộc phải thay đổi, nếu không sẽ bị “bỏ lại phía sau”. Chị học cách sử dụng điện thoại thông minh để mỗi mùa vụ hoa trái, chị bán hàng qua mạng xã hội, thậm chí quay trực tiếp vườn cây ăn quả cho khách hàng xem, chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Vậy nên, có nhiều khách hàng đặt mua, khách ở thành phố mình, khách ở Việt Trì, chị gửi qua đường ô tô, khách chuyển tiền vào tài khoản, rất thuận tiện và an toàn.

Chị Oanh bảo, ngày trước vất vả lắm, nông sản phải đợi đến chợ phiên, có khi hoa quả đến ngày chợ họp bị hư hỏng mất rồi, chị lại gánh đi bán khắp nơi… Nhớ cái ngày đó mà chị thấy sợ. Nhờ công nghệ đã giải phóng sức lao động cho người dân, thị trường được kết nối trong chiếc điện thoại, giao dịch tiền tệ vẫn được thực hiện. Đây quả là   sự bứt phá ngoạn mục ở vùng nông thôn.

Phát triển kinh tế số, xã hội số và thanh toán không dùng tiền mặt đòi hỏi không ai được ngoài cuộc, trở ngại lớn nhất là từ người nông dân và người cao tuổi. Thế nhưng, với những tiện ích, tối giản hóa các bước thanh toán trên điện thoại thông minh, vậy nên bất cứ ai cũng có thể thực hiện các giao dịch mua bán và thanh toán qua tài khoản mà không mất thời gian và chi phí đi lại. Đây là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp, doanh nhân và cá thể sản xuất kinh doanh có điều kiện tốt hơn thích ứng với thời kỳ đại dịch. Anh Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Bưu điện tỉnh chia sẻ, dịch bệnh đã làm thay đổi cách bán hàng truyền thống, buộc mỗi doanh nghiệp, người lao động phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Nhân viên bưu điện giờ đều giới thiệu các dịch vụ trên mạng xã hội, Livestream trao đổi trực tiếp với khách hàng để cung ứng các sản phẩm thuận tiện nhất, nhanh nhất.

Cuộc sống cộng đồng đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Nhưng chúng ta không thể dừng lại mà vẫn phải tiến bước, hướng tới tương lai, điều này đòi hỏi mỗi người phải tự thích ứng, tạo ra cơ hội mới cho mình để cộng hưởng vào tiếng nói chung cho sự phát triển…

Ghi chép: Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục