Nở rộ bán hàng

- Tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đình trệ, lâm vào cảnh khốn đốn. Thế nhưng “trong cái khó ló cái khôn”, nhiều cơ sở kinh doanh lại xoay sở hiệu quả bằng cách kinh doanh online nhằm tiếp cận, tìm kiếm thị trường, thu lợi nhuận từ hình thức này. Bán hàng online đang nở rộ nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Giảm chi phí đầu tư

Mạng xã hội là nền tảng giàu tiềm năng để kinh doanh nếu biết khai thác lợi thế. Thông qua các trang fanpage, website, facebook, zalo…, người kinh doanh không những quảng bá sản phẩm một cách rộng rãi, không biên giới mà còn có thể tiếp cận, cung cấp các sản phẩm của mình tới khách hàng. Đây là một kênh bán hàng tiện lợi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Người mua chỉ cần gõ vào mục tìm kiếm là có thể tìm thấy sản phẩm mà mình muốn mua. Còn người bán thì không cần bỏ chi phí thuê địa điểm, sử dụng nhiều nhân công. Vì vậy có thể tiết kiệm được nhiều khoản chi phí mà kinh doanh theo hình thức thông thường bắt buộc phải bỏ ra. Tuy nhiên, người bán hàng online lại phải trang bị cho mình một số kỹ năng cần thiết nếu muốn bán hàng online thành công.

Ngay từ khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai, chị Đặng Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Du lịch thành Tuyên đã đi học một lớp livestream ở Hà Nội. Bởi theo chị Vân Anh, kinh doanh online phải có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tạo dựng niềm tin và thương hiệu cá nhân. Người kinh doanh online phải nắm rõ được các chức năng, nguồn gốc của sản phẩm. Hiện nay, đa số các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP của công ty đều được quảng bá, giới thiệu trên mạng internet. Chị Vân Anh thường chia sẻ, giới thiệu các mặt hàng nông sản của Tuyên Quang trên các hội, nhóm facebook, zalo, trong đó có cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nếu như trước đây, chị phải thuê 4 nhân viên hỗ trợ kinh doanh, nhưng nay, chủ yếu bán hàng online nên chị chỉ phải thuê một nhân viên hỗ trợ. Chị Vân Anh cho biết thêm, với việc bán hàng online đang thịnh hành như hiện nay, tiến tới chị sẽ không phải thuê địa điểm như hiện nay.

Chị Đặng Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Du lịch thành Tuyên giới thiệu
sản phẩm mật ong rừng cho khách qua mạng xã hội.

Chị Hà Bích Vân, chủ nhà hàng Nam Nga, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) chia sẻ, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, nhà hàng tạm đóng cửa mà chủ yếu bán hàng online. Thông qua facebook, zalo, nhà hàng vẫn quảng bá, giới thiệu các món ăn quen thuộc để khách hàng lựa chọn. Hiện nay, mặc dù đã được hoạt động trở lại, song bán hàng online vẫn là một hình thức bán hàng hiệu quả. Nhiều khách hàng vẫn giữ thói quen đặt món ăn qua mạng. Bán hàng online giúp cho nhà hàng giảm được chi phí về nhân lực, chi phí vệ sinh, điện... nhưng để giữ uy tín, nhà hàng lại đầu tư nâng cao chất lượng các món ăn. Vì bán hàng online phải đảm bảo người thật, việc thật. Người mua sẽ không chấp nhận lần thứ hai nếu mua phải sản phẩm không như giới thiệu, quảng bá trên mạng xã hội.

Tận dụng để quảng bá nông sản xứ Tuyên

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân không những tận dụng mạng xã hội để giải cứu nông sản cho nhân dân mà còn thông qua kinh doanh online để quảng bá rộng rãi nông sản xứ Tuyên. Anh Trương Mạnh Linh, hộ kinh doanh cá thể, tổ 8, thị trấn Na Hang (Na Hang) cho biết, ngoài quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm đặc sản của Na Hang qua facebook, zalo, anh Linh còn quảng bá trên website “dacsannahang.com.vn”, “dulichnahang.com.vn”. Các sản phẩm do chính cơ sở của gia đình anh chế biến, sản xuất như trâu khô gác bếp, các gia vị của núi rừng, rau quả sạch. Ngoài ra, anh còn giới thiệu và bán online các sản phẩm như mật ong rừng, rượu ngô men lá, chè Shan tuyết, măng rừng… Anh Linh còn lập một ê-kip tự quay các clip ngắn để quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch và ẩm thực của Na Hang để giới thiệu, đăng tải trên mạng xã hội.

Anh Linh cho biết, mỗi năm, anh đầu tư khoảng 20% kinh phí từ lợi nhuận bán hàng để thực hiện các clip ngắn quảng bá tiềm năng du lịch, văn hóa ẩm thực của Na Hang. Nhờ đó lượng du khách biết đến các sản phẩm đặc sản của Na Hang khá nhiều thông qua cách làm này. Từ bán hàng online, mỗi năm mang lại doanh thu cho gia đình anh Linh từ 500 đến 600 triệu đồng. Anh Linh chia sẻ thêm: “Bán hàng online giúp mình đưa các sản phẩm đặc sản của Na Hang đến với thị trường được rộng rãi hơn, nhanh hơn. Tuy nhiên, bán hàng online không đơn thuần là “tung” sản phẩm của mình lên mạng xã hội mà còn phải xây dựng được niềm tin, uy tín của mình đối với khách hàng. Đây là một việc khó vì người mua không được thử nghiệm sản phẩm trực tiếp. Bởi vậy, người kinh doanh online phải thực sự có tâm, bán hàng có chất lượng, giá cả phải chăng”.

Là một trong những người bán hàng online thành công thời gian qua, chị Trịnh Thị Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Nhật Minh (Lâm Bình) chia sẻ, chị thường quảng bá và giới thiệu các sản phẩm đặc sản của Lâm Bình trên các hội nhóm facebook như Chợ tiêu dùng thông minh, Hội người tiêu dùng thông minh, Mua bán đồ ăn ngon, giá cả hợp lý tại Tuyên Quang... Những sản phẩm chị giới thiệu, quảng bá được nhiều người ưa thích như rau đặc sản Lâm Bình, cá lòng hồ, thịt lợn đen, mây tre đan... Không chỉ mang lại doanh thu mỗi tháng từ 30 đến 40 triệu đồng nhờ kinh doanh online, chị Thảo còn góp phần quảng bá sản phẩm nông sản của Lâm Bình đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Gặp chị Thảo bây giờ phải gọi điện trước vì chị liên tục nhận đơn, chốt đơn, dồn đơn cho khách từ các tỉnh. Chị Thảo vui vẻ nói: “Nhiều khách hàng ở tận trong miền Nam biết đến các sản phẩm của Lâm Bình, kết bạn và nhắn tin vào facebook, zalo để đặt hàng, phấn khởi lắm chị ạ!”.

Bán hàng online là một hình thức bán hàng hiệu quả trong thời đại 4.0 mà bất kỳ cá nhân hay tổ chức kinh doanh nào cũng có thể sử dụng, khai thác để tìm kiếm, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, việc bán hàng online cần đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của sản phẩm. Theo ông Đào Lương Nhân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, khi kinh doanh  online, người bán cần nhập hàng ở những nơi có uy tín, có hóa đơn chứng từ rõ ràng về sản phẩm. Người mua cũng cần mua sản phẩm ở những địa chỉ tin cậy đã được cấp phép đăng ký kinh doanh như ở các sàn giao dịch, trang thương mại điện tử để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và mỗi người khi mua hàng online hãy trở thành một người mua hàng thông thái.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục