“Những đứa con oan nghiệt” được Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn dựa trên kịch bản cùng tên của Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang. Vở diễn xoay quanh câu chuyện hai gia đình Thầy Đồ và tướng cướp Tư Chớp. Tư Chớp vì muốn con trai mình sau này không phải nối nghề trộm cướp mà được đỗ đạt làm quan nên đã sai người tráo con với nhà Thầy Đồ vào ngày hai đứa trẻ cùng được sinh ra, sau đó trực tiếp kết liễu tên tay sai để bí mật mãi mãi được chôn giấu. Kể từ đó, Nhân - con ruột của Tư Chớp sống ở nhà Thầy Đồ được giáo dục, học hành từ nhỏ, sớm đỗ trạng nguyên. Còn Đức - con ruột Thầy Đồ sống ở nhà Tư Chớp thì ham mê tửu sắc, chơi bời lêu lổng, ăn nói thô tục. Vì ghen ghét đố kị, Đức cùng anh trai Phi Long đã ra tay sát hại Nhân trong lúc Nhân trở về vinh quy bái tổ. Chứng kiến bi kịch ấy, trong tột cùng đau khổ, Tư Chớp đã thức tỉnh, tự nói ra sự thật.
Vở diễn khép lại bằng cái kết có hậu, ấy là khi vua truyền lệnh cho những thái y giỏi nhất bằng mọi cách phải cứu sống quan tân trạng, đồng thời ra lệnh trừng trị ba cha con Tư Chớp. Có thể thấy, “Những đứa con oan nghiệt” là lời khẳng định đanh thép về vai trò quan trọng của môi trường giáo dục đối với con người cũng như bài học về quy luật nhân-quả, gieo nhân nào sẽ gặt quả đấy, môi trường giáo dục nào sẽ nhận về nhân cách đấy. Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai nhận định: Dù đề tài, câu chuyện không mới nhưng tác giả kịch bản đã luận giải một cách mạch lạc về sự hình thành của thiện và ác, đen và trắng, ánh sáng và bóng tối nơi mỗi con người. Hạt mầm tốt mà bị gieo trên đất xấu thì khó xanh tươi, cũng như ở bất cứ thời đại nào con người cũng cần được giáo dục trong môi trường tốt...
Đây là kịch bản đã được nhiều đơn vị nghệ thuật ở nhiều loại hình sân khấu lựa chọn dàn dựng trước đây. Song đến với “Những đứa con oan nghiệt” của Nhà hát Cải lương Hà Nội, vẫn thấy hấp dẫn với cách dàn dựng rất riêng của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai.
Chuyển tải triết lý giáo dục thông qua câu chuyện nhuốm màu bi kịch nhưng theo dõi vở diễn, người xem không thấy sự khô cứng, giáo điều mà ngược lại được tiếp nhận mạch diễn một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Điểm thú vị là vở diễn đã đi sâu lột tả diễn biến tâm lý nhân vật, đặc biệt là những dằn vặt nội tâm sâu kín của tướng cướp Tư Chớp - người duy nhất biết và chung sống cùng bí mật từ đầu đến cuối chuyện, từ đó lột tả sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nhân và quả, giữa tiền bạc và trí tuệ, âm mưu và duyên nghiệp… Cùng với đó, nữ đạo diễn cũng khéo léo lồng gắn nhiều chi tiết hài hước, mang đến tiếng cười vừa hóm hỉnh, vừa sâu cay cho người xem, như ở những phần thoại giữa Đức với Đào hay giữa bà Chín - vợ Tư Chớp với Thầy Đồ… Đặc biệt, sự xuất hiện hợp lý của múa đương đại kết hợp cách xử lý âm nhạc trẻ trung, hiện đại theo tiết tấu nhanh, dồn dập đã làm nên hình thức thể hiện mới mẻ cho vở diễn. Điều này thêm lần nữa chứng minh khả năng có thể tích hợp nhiều yếu tố nghệ thuật của cải lương, cũng cho thấy nỗ lực muốn được chinh phục nhiều đối tượng công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ của ê-kíp sáng tạo.
Thêm một điểm nhấn không thể không nói đến là những dấu ấn đậm nét về mặt thiết kế. Nghệ sĩ Ưu tú Đạt Tăng đã thể hiện được tư duy mỹ thuật sáng tạo khi xây dựng bối cảnh sân khấu với tông mầu chủ đạo là đen và trắng, góp phần chuyển tải sâu sắc thông điệp vở diễn. Chỉ vỏn vẹn là những khung cửa một mặt trắng, một mặt đen được xoay chuyển, liên kết, sắp xếp để tạo thành những cảnh diễn khác nhau nhưng lại khiến người xem thích thú bởi tính linh hoạt và khả năng khắc sâu sự đối lập giữa sáng và tối, thiện và ác trong vở diễn.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nói đến diễn xuất tự nhiên cùng khả năng ca rất “ngọt” của các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn cải lương Hoa Mai-Nhà hát Cải lương Hà Nội. Với “Những đứa con oan nghiệt”, Nhà hát đã “khoe” được thực lực của dàn diễn viên với nhiều diễn viên trẻ giàu triển vọng, trong đó cần kể đến sự vào vai ấn tượng của các nghệ sĩ: Tuấn An (vai Tư Chớp), Nghệ sĩ Ưu tú Quang Thanh (vai Thầy Đồ), Đoàn Thắng (Đức), Minh Vương (Nhân), Đức Cảnh (Phi Long), Thiên Hương (Hạnh), Mai Hiền (Đào)… Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố cần điều tiết lại để vở diễn hoàn thiện hơn, như: tiết chế một số câu thoại, tạo sự đồng bộ, hợp lý hơn về mặt phục trang giữa các nhân vật… “Những đứa con oan nghiệt” với sự đầu tư về nội dung và nghệ thuật đã cho thấy tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của tập thể nghệ sĩ, mở màn cho sự trở lại ấn tượng của Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Gửi phản hồi
In bài viết