Thống nhất nhận thức và hành động để giám sát của Quốc hội ngày càng tốt hơn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, qua thực tiễn chứng minh, việc tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội có hiệu quả cao, giúp thống nhất nhận thức và hành động, đồng thời xác định được rõ những gì cần phải làm để kết quả giám sát của Quốc hội ngày càng được tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 17/11, phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tiếp nối thành công của năm 2021, 2022, đây là lần thứ ba trong nhiệm kỳ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai chương trình giám sát, trong đó có đánh giá kết quả của năm trước và triển khai kế hoạch của năm tới.

Hoàn thiện thể chế cho tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát

Đánh giá khái quát những mặt được của năm 2023, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, khuôn khổ để tiếp tục tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát được quan tâm, theo đúng tinh thần từ đầu nhiệm kỳ đã xác định đây là một nội dung trọng tâm và then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Công tác giám sát liên quan trực tiếp đến cả vấn đề xây dựng về pháp luật và các quyết định quan trọng quốc gia của Quốc hội. Các chức năng của Quốc hội có mối quan hệ mật thiết với nhau, do đó, làm tốt công tác giám sát cũng sẽ tạo điều kiện để làm tốt chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong năm 2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 96/2025/QH15 để cụ thể hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có văn bản là hướng dẫn thực hiện các nghị quyết này.

Tiếp theo kết quả của năm 2022 khi ban hành Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, năm 2023 đã triển khai rất quyết liệt dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang tích cực chỉ đạo để có thể ban hành trong năm 2023 Nghị quyết về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để có quy định thống nhất nhằm tăng cường các phiên giải trình qua đó tăng năng lực hiệu lực, hiệu quả của công tác này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong năm 2023, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, khuôn khổ để tiếp tục tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát được quan tâm. (Ảnh: DUY LINH)

Nhiều đổi mới trong phương thức, hoạt động giám sát mang lại chuyển biến thiết thực

Kết quả nổi bật thứ hai được Chủ tịch Quốc hội đề cập là hiệu lực, hiệu quả các hình thức, phương thức giám sát của Quốc hội được tăng cường.

Theo đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp và tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức đều đặn, cương quyết làm và làm có hiệu quả.

Việc lựa chọn chủ đề chất vấn cũng như việc tìm tòi để đổi mới công tác chất vấn ngày ngày càng được quan tâm và có những hiệu quả cụ thể. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng từ phiên chất vấn trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 6 vừa qua, chất vấn giữa nhiệm kỳ đối với 21 lĩnh vực, phạm vi rộng nên Quốc hội đã có cải tiến đổi mới, sắp xếp thành 4 nhóm vấn đề. Lần đầu tiên có cả Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Phó Thủ tướng và 21 thành viên Chính phủ, bộ ngành tham gia trả lời làm rõ được thực trạng, nêu ra nhiều giải pháp.

Ngoài ra, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một điểm sáng trong tổ chức giám sát của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được triển khai một cách nghiêm túc. Hiệu lực, hiệu quả của các nghị quyết giám sát chuyên đề cũng được tăng cường.

Bên cạnh đó, hoạt động tái giám sát (giám sát lại), tức là giám sát những vấn đề sau giám sát, sau chất vấn được quan tâm nhiều hơn. Ngoài việc yêu cầu các tổ chức và các cá nhân thực hiện nghiêm các nghị quyết giám sát chuyên đề thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn gửi báo cáo giám sát đến các cơ quan chức năng của Trung ương để xem xét.

“Trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của giám sát chứ không chỉ dừng lại ở ban hành nghị quyết. Qua giám sát, những điểm tốt phải được biểu dương, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đồng thời, những sai phạm phải được xem xét xử lý, những vấn đề có khuyết điểm phải được kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm thu hút được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của đại biểu Quốc hội mà còn của đông đảo cử tri và nhân dân. Đầu Kỳ họp thứ 6, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, tiến hành cẩn trọng, chu đáo, kỹ lưỡng, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Kết quả về lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai theo quy định được đại biểu Quốc hội, dư luận, nhân dân đồng tình và đánh giá cao.

Ngoài ra, việc xây dựng các báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng ngắn gọn, súc tích, sâu sắc, có tính phản biện cao hơn, khoa học hơn, khắc phục dần được tình trạng “3 sôi 2 lạnh”.

Cùng với đó, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật cũng được quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực và hiệu quả.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Lan tỏa làn sóng tươi mới, khí thế mới và kết quả mới trong hoạt động của các cơ quan dân cử

Kết quả nổi bật thứ ba, theo Chủ tịch Quốc hội, là công tác giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân tiếp tục được quan tâm, thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân, nhất là với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân các cấp cho thấy hướng dẫn này đã giúp có được một làn sóng tươi mới, một khí thế mới và kết quả mới trong hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có hoạt động giám sát.

Kết quả nổi bật thứ tư được Chủ tịch Quốc hội chỉ ra là công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội đã được đa dạng hóa, có sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động giám sát thường xuyên, qua việc xem xét các báo cáo với giám sát, khảo sát chuyên đề và hoạt động giải trình. Chất lượng báo cáo thẩm tra ngày càng nâng lên.

Một điểm sáng khác là việc tiếp tục tăng cường giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong phạm vi quyền hạn của mình đã triển khai đầy đủ hoạt động giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đề xuất nhiều vấn đề nóng bức xúc về kinh tế xã hội giúp cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thêm cơ sở lựa chọn những vấn đề đúng và trúng tại các tại các kỳ họp, phiên họp.

Xác định trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân còn chưa rõ nét

Bên cạnh việc điểm lại những kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội cũng đã lưu ý về một số tồn tại, hạn chế, bất cập.

Theo đó, về công tác giám sát chuyên đề, giải quyết quan hệ giữa “diện” với “điểm”, giữa tính chất toàn diện với trọng tâm, trọng điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm. “Bởi vì vấn đề rất rộng, không thể nào bao quát hết được, nếu cứ đi dàn trải thì đến cuối cùng sẽ không giải quyết được vấn đề gì”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Trong quá trình triển khai các hoạt động cụ thể, đôi khi ít để ý đến các mục tiêu và yêu cầu của chuyên đề giám sát. Chủ tịch Quốc hội cho biết, mỗi Đoàn giám sát có mục tiêu, yêu cầu cụ thể, nếu quá sa đà vào vụ việc thì có những trường hợp “bơi” trong rừng số liệu và đến khi viết báo cáo tổng hợp, công tác biên tập báo cáo tóm tắt và dự thảo Nghị quyết vô cùng vất vả.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rút kinh nghiệm để tập trung lực lượng tinh nhuệ và phải có định hướng chỉ đạo hướng đến mục tiêu cuối cùng của giám sát.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại ý kiến của các đại biểu, kết quả giám sát đã góp phần kiến tạo phát triển khá tốt như Nghị quyết 61/2022/QH15 đã gỡ các vấn đề về quy hoạch. Theo Chủ tịch Quốc hội, giám sát nhưng mục tiêu kiến tạo phát triển lại rất nổi bật, tuy nhiên việc xác định trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân đáng lẽ phải nổi hơn. Nhiều tình trạng nể nang, né tránh vẫn còn.

Cho rằng đây là một “nghịch lý”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo kết quả giám sát cần cá thể hóa được trách nhiệm của tổ chức, của cơ quan có liên quan. Bởi đây là cơ sở theo dõi diễn biến nếu có những những chuyển biến tốt hơn thì kịp thời động viên, khen thưởng, tạo động lực cho các bên thực hiện nhiệm vụ, cũng là nhằm kiến tạo phát triển.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục