Mỗi người cần có kiến thức để lựa chọn sản phẩm chất lượng.
Anh Nguyễn Văn Dũng, xã Tân Long (Yên Sơn) ngày 8-3 vừa rồi đặt mua một bộ quần áo trên mạng để biếu mẹ. Anh hỏi về cỡ quần áo, chất liệu, giá cả, chủ shop cam kết sản phẩm như hình đã đăng. Lúc nhân viên shipper đến giao sản phẩm, thu tiền anh cũng chỉ xem qua rồi nhận hàng. Lúc đưa quần áo cho mẹ thử anh mới phát hiện ra sản phẩm rộng, màu sắc nhợt nhạt hơn, đường may vụng về, chất liệu vải không như cam kết. Anh Dũng gọi điện chủ shop để phàn nàn, thì nhận được câu trả lời “em chỉ là nhân viên bán hàng thuê” và cúp điện thoại, chặn không liên lạc được.
Cùng cảnh ngộ với anh Dũng là chị Nguyễn Thị Thu, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) mua kem thảo dược Diệp Bảo trên mạng trị chàm sữa cho con. Vừa rồi đọc báo chị mới tá hỏa ra kem Diệp Bảo bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thông báo thu hồi vì chúng có nhiễm chì. Rồi tiếp đó qua kiểm tra của cơ quan Y tế địa phương thì đơn vị này chưa có giấy phép kinh doanh. Biết là con có thể bị nhiễm chì trong máu vì đã bôi loại kem này, song chị Thu cũng chẳng biết kêu ai, đành tự rút kinh nghiệm vậy.
Còn gia đình anh Nguyễn Văn Long ở xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) đang rất bực bội vì ngôi nhà xây hơn 600 triệu đồng đang bị bong tróc sơn. Theo như anh phản ánh thì có một tốp thợ sơn thấy anh đang hoàn thiện ngôi nhà vào tư vấn các loại sơn cho gia đình với chiết khấu cao. Anh Long chọn sơn Dulux vì có thương hiệu tốt, hai bên thống nhất sơn với thời gian bảo hành 1 năm. Sau một năm sử dụng thì sơn nhà anh chưa có vấn đề gì, bắt đầu từ năm thứ hai trở đi mới có hiện tượng nứt, bong ra loang lổ rất xấu. Anh Long có gọi điện cho ông chủ đội sơn, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là nhà anh đã hết thời gian bảo hành.
Mới đây nhất tối 6/3/2023, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang dừng phương tiện, kiểm tra phát hiện xe ô tô BKS 22A-074.36 chở số lượng lớn hàng thực phẩm gồm xúc xích, chả cá không rõ nguồn gốc xuất xứ đang lưu thông về Tuyên Quang trên Quốc lộ 37 thuộc địa phận thành phố Tuyên Quang.
Kem trẻ em Diệp Bảo bị Bộ Y tế thu hồi, cấm lưu hành, sử dụng vì sản phẩm có nhiễm chì.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành khám phương tiện theo thủ tục hành chính quy định. Qua kiểm đếm cụ thể có 378 kg xúc xích và 100 kg chả cá, có giá trị khoảng 20.000.000 đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên đều là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Bà Nguyễn Thị N. sinh năm 1971, địa chỉ thường trú tại tổ 6, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang làm chủ hàng cũng là người điều khiển phương tiện, khai nhận số hàng hóa trên mua lại của một người không rõ lai lịch, đang trên đường vận chuyển về tỉnh Tuyên Quang để bán lại kiếm lời thì bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện. Đoàn kiểm tra thống nhất tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.
Những ví dụ trên cho thấy gian lận thương mại ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sở tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, bán hàng, nhất là ở vùng sâu, vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế đến mức thấp nhất do hàng giả, hàng nhái gây ra thiệt hại cho người dân trên địa bàn. Các đối tượng vi phạm phải xử lý nghiêm minh, tạo sức răn đe. Ngành Công Thương tỉnh cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp, người kinh doanh dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ “thông tin sản phẩm phải minh bạch”, góp phần thực hiện tốt mục tiêu “tiêu dùng an toàn” cho người dân.
Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang cho rằng, ngoài nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường thì mỗi người dân phải là một người tiêu dùng thông thái. Như trước khi quyết định mua một sản phẩm gì thì phải tìm hiểu kỹ tên nhà sản xuất, thông số kỹ thuật, hạn sử dụng, chế độ bảo hành. Những sản phẩm có giá trị lớn thì người tiêu dùng phải mua ở những cửa hàng, đại lý bán lẻ uy tín, có thương hiệu tránh mua ở hàng trôi nổi trên thị trường, không nguồn gốc, xuất sứ.
Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ trước khi quyết định mua. Có thể tra cứu trên các trang web của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc đọc các đánh giá của người dùng khác để có được thông tin chính xác và đầy đủ. Khi mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ, nên đọc kỹ các điều khoản hợp đồng để hiểu rõ các quy định và trách nhiệm của mình và của nhà cung cấp.
Khi mua hàng trực tuyến nên sử dụng các phương tiện thanh toán an toàn và được phổ biến như thẻ tín dụng, PayPal hoặc các dịch vụ thanh toán trực tuyến đáng tin cậy. Nên giữ chứng từ liên quan đến giao dịch như hóa đơn, phiếu mua hàng hoặc email xác nhận để có thể sử dụng trong trường hợp có tranh chấp xảy ra sau này. Nếu gặp phải các vấn đề liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ, nên liên hệ với nhà cung cấp để được giải quyết và phản ánh lên các cơ quan chức năng nếu cần thiết. Có thể tham gia vào các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để có thêm thông tin và được hỗ trợ khi có tranh chấp với các nhà cung cấp.
Gửi phản hồi
In bài viết