Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện, thành phố, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau 35 năm đổi mới, với 3 trụ cột là xóa quan liêu bao cấp, tiến hành đa sở hữu và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam từ một nền kinh tế với quy mô chỉ 4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người chưa tới 100 USD/năm, đến nay nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD. Thủ tướng cảm ơn các doanh nghiệp nước ngoài đã nỗ lực phát triển sản xuất, cùng với Chính phủ, nhân dân Việt Nam vượt qua nhiều biến động do đại dịch Covid-19. Nhờ đó, trong khi trên thế giới lạm phát tăng cao, kinh tế tăng trưởng chậm thì Việt Nam kiềm chế lạm phát ở mức thấp và tăng trưởng kinh tế tương đối cao. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn dự kiến kịch bản đặt ra, tương đương mức bình quân các năm trước dịch; các cân đối lớn được bảo đảm; kinh tế tiếp tục phục hồi; chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội đảm bảo; đối ngoại được tăng cường; đời sống nhân dân được nâng lên.
Thủ tướng nhận định, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với thách thức, diễn biến phức tạp, khó khăn. Việt Nam xác định ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tại hội nghị đối thoại, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tập trung vào các vấn đề như ưu đãi thuế; quy hoạch điện, cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp; cơ chế khuyến khích đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo và chiến lược, giải pháp để xây dựng và phát triển ngành xe điện; các biện pháp ứng phó với dịch bệnh thời gian tới; thủ tục liên quan giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; thủ tục cấp phép lao động nước ngoài, đào tạo nhân lực, tuyển dụng nhân sự...
Kết luận hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, sản xuất. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố sẵn sàng lắng nghe, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ".
Tại Tuyên Quang có 18 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 15 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký trên 1.617 tỷ đồng; có 3 doanh nghiệp có vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ trên 51% vốn điều lệ. 18 dự án đầu tư nước ngoài của 15 nhà đầu tư, bao gồm 7 nhà đầu tư Hàn Quốc, 5 nhà đầu tư Trung Quốc, 2 nhà đầu tư Samoa, 1 nhà đầu tư Australia, với vốn đăng ký trên 7.199 tỷ đồng (tương đương 0,3 tỷ USD). Các dự án thực hiện trong lĩnh vực may mặc, sản xuất bao bì, gang thép, thiết bị điện tử, chế biến rau, quả... Các dự án chủ yếu đặt tại các khu, cụm công nghiệp.
Doanh thu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài năm 2021 đạt 7.804 tỷ đồng tăng 89,8% so với năm 2020.
Gửi phản hồi
In bài viết