Thủ tướng yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm truy quét, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại

Thủ tướng yêu cầu mở một đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng hóa không xuất xứ, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ trên phạm vi cả nước bắt đầu từ ngày 15/5 đến 15/6. Thành lập tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đầu năm 2025. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đầu năm 2025. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Sáng 14/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, việc chúng ta đã làm được rất đáng hoan nghênh, đáng khích lệ, tuy nhiên kết quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi rộng, đối tượng nhiều, tính chất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực, sức khỏe và lòng tin của nhân dân, gây hoang mang, lo lắng, nghi ngờ sự đấu tranh của các cơ quan chức năng; ảnh hưởng sự phát triển kinh tế-xã hội, quản lý trật tự an toàn xã hội.

Về nguyên nhân, Thủ tướng nhấn mạnh, có nguyên nhân lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa thực sự sâu sát, chưa bám vào những nội dung, những vấn đề diễn biến phức tạp, vấn đề mới xuất hiện ở các địa phương, địa bàn, nhất là các đối tượng nhiều hơn, phong phú hơn.

Các cơ quan, địa phương liên quan còn buông lỏng quản lý; thể chế còn lạc hậu, chồng chéo, bỏ sót, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình. Công tác tổ chức, quy định chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, bỏ sót, có khoảng trống trong quá trình tổ chức quản lý; chưa huy động được sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái.

Các bộ, ngành cũng bị động, chưa chủ động tham mưu kịp thời, hiệu quả; hệ thống pháp luật lạc hậu kéo dài, chưa sửa sát tình hình, nhất là những vấn đề mới, nhạy cảm nổi lên; công tác quản lý nhà nước của một số bộ, ngành chưa thực sự chặt chẽ.

Thủ tướng yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm truy quét, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại ảnh 1

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Liên quan xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật; đôn đốc, kiểm tra, giám sát, thi đua khen thưởng, xử lý chưa triệt để toàn diện. Nhận thức của người dân về sử dụng, xử lý các hàng hóa liên quan quảng cáo còn chưa được hướng dẫn đầy đủ, chưa hiểu hết những thủ đoạn, cách làm tinh vi của các đối tượng. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt.

Sự phát triển quảng cáo trên môi trường mạng nhanh nhưng quản lý chưa kịp thời, chưa bao quát, chưa toàn diện; chưa áp dụng chuyển đổi số, trong quản lý còn sơ hở. Bên cạnh đó, một số tổ chức, người quản lý, cá nhân cũng còn vi phạm; chưa huy động được sức mạnh của nhân dân; công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu…

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình còn diễn biến phức tạp, thậm chí phức tạp do nhiều nguyên nhân khách quan, do đó phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hoàn thiện thể chế. Phải đặt mục tiêu, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, góp phần phục vụ phát triển nhanh và bền vững của đất nước; thúc đẩy tăng trưởng.

Phải xác định công tác bảo vệ sức khỏe là quyền và lợi ích hợp pháp, người tiêu dùng phải được đặt lên trên hết, trước hết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Về quan điểm, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là công việc quan trọng của cả hệ thống chính trị, phải huy động sự vào cuộc của nhân dân nhằm góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh, an dân; phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ.

Phải xác định công tác bảo vệ sức khỏe là quyền và lợi ích hợp pháp, người tiêu dùng phải được đặt lên trên hết, trước hết; là nhiệm vụ mang tính lâu dài; là nhiệm vụ mà cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc; tăng cường quản lý nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, uy tín đất nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, góp phần hội nhập quốc tế tích cực, chủ động, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm truy quét, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại ảnh 2

Thủ tướng yêu cầu mở một đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng hóa không xuất xứ, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ trên phạm vi cả nước. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tăng cường hiệu quả trong công tác này gắn liền quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp, nâng cao năng lực quản lý, phân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ; không để bỏ sót, chồng chéo.

Phải tạo chuyển biến đột phá trong công tác này, đặc biệt là thực phẩm, thuốc… vì liên quan sức khỏe, quyền lợi nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp, các quy định, thông tư, hướng dẫn để kiểm tra, đôn đốc để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng này; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu mở một đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng hóa không xuất xứ, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ trên phạm vi cả nước bắt đầu từ ngày 15/5 đến 15/6/2025. Thành lập tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng.

Bộ Công an chủ trì đề xuất các giải pháp, xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phương thức thực hiện phối hợp Văn phòng Chính phủ, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các bộ, ngành, cơ quan, lực lượng khác. Cùng với đó, phải hoàn thiện thể chế, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh công tác này.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành để không để xảy ra khoảng trống pháp lý, không vì bận sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp mà buông lỏng công tác đấu tranh này.

Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ công an các địa phương lập các chuyên án xử lý nghiêm sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả, đẩy nhanh truy tố các vụ án, công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa.

Nhân cuộc họp, Thủ tướng biểu dương Bộ Công an chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện và điều tra, tố tụng các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái…

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan, thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bộ Công thương phối hợp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm các vụ việc, hoàn thiện các chính sách liên quan thương mại điện tử, chủ trì các cơ quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật.

Các bộ, ngành đều phải rà soát thể chế, chủ động ban hành các thông tư, xây dựng luật để tháo gỡ khó khăn, không để khoảng trống pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Lực lượng quản lý thị trường lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường ở địa phương chịu trách nhiệm chính, chủ trì cùng các cơ quan kiểm tra, việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tại nơi sản xuất hàng hóa, dịch vụ thương mại.

Các cơ quan kiểm tra chuyên ngành thuộc các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm cấp phép, sản xuất kinh doanh, lưu thông, quản lý về vấn đề thuế, liên quan các lĩnh vực khác, đặc biệt chú ý vấn đề thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm, động thực vật, sản phẩm động vật thuộc ngành nông nghiệp, lương thực, thực phẩm; quy định nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường trong việc phối hợp các sở, ngành, đơn vị quản lý kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất trên địa bàn; kiện toàn lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương; xây dựng Luật Thương mại điện tử, sửa đổi Luật Thương mại, sửa Nghị định về xuất xứ hàng hóa…

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định liên quan vấn đề sở hữu trí tuệ, điều chỉnh các vấn đề mới trên môi trường số, thương mại điện tử, tăng cường xử lý các tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm sai sự thật, trong đó có cả trách nhiệm các cơ quan truyền thông phải kiểm soát việc này.

Bộ Y tế điều chỉnh chú trọng kiểm soát thuốc giả, thuốc nhập lậu không rõ xuất xứ; coi việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết; cương quyết, đấu tranh và đẩy lùi, chấm dứt tình trạng thuốc giả.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các cơ quan liên quan hậu kiểm, làm nghiêm nhất là đối với thực phẩm giả, thuốc chữa bệnh giả không rõ nguồn gốc; hoàn thiện công tác hậu kiểm, cấp phép hàng hóa, tinh thần là kiểm soát được nhưng phải bảo đảm thông thoáng, tích cực áp dụng chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu; xây dựng Luật An toàn thực phẩm, sửa đổi các Nghị định, Thông tư hướng dẫn lạc hậu, tăng cường chế tài xử lý, nêu cao tính tự giác của các chủ thể liên quan; nâng cao tinh thần hưởng ứng của nhân dân.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát về vi phạm đối với các loại lâm sản, thủy sản, giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát việc sử dụng chất kích thích, hóa chất đối với các loại nông thủy sản… Phải xây dựng thương hiệu, xây dựng vùng nguyên liệu; phối hợp ngân hàng, doanh nghiệp, mở rộng thị trường, chống các loại hàng giả.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý những nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật trên môi trường mạng. Bộ Tư pháp phối hợp các bộ, ngành thúc đẩy, bổ sung, hoàn thiện thể chế để quản lý, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các vụ việc; quan tâm phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Bộ đội Biên phòng phải tăng cường quản lý chặt ở biên giới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái qua biên giới. Các cơ quan thông tấn, báo chí, các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân; cần có các chuyên mục để tuyên truyền người dân hiểu hơn; rà soát, kiểm soát việc quảng cáo trên đài truyền hình, phát thanh, tạp chí chuyên ngành, xử lý nghiêm theo pháp luật; các bộ, ngành, địa phương phải bám sát đối tượng, địa bàn, nhưng không được làm ảnh hưởng việc khác.

Theo Nhân Dân Điện tử

Tin cùng chuyên mục