Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đóng góp giá trị kinh tế không nhỏ và góp phần quảng bá văn hóa quốc gia. Tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nước ta đang gặp nhiều thách thức và khó khăn.

Ngành công nghiệp văn hóa là khái niệm mới mẻ ở Việt Nam, nhưng sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa đã hiện hữu rõ nét, đạt được một số thành quả thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gắn với các lĩnh vực điện ảnh, thiết kế, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa…

Dấu ấn của ngành công nghiệp văn hóa

Gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế từ năm 2019, Hà Nội đang nỗ lực thực hiện cam kết các mục tiêu với UNESCO, trong đó có xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo. Khai thác và phát huy giá trị của các không gian sáng tạo là thế mạnh của thành phố vì Hà Nội đang là nơi tập trung nhiều không gian văn hóa sáng tạo nhất cả nước, với gần 200 không gian cùng cộng đồng sáng tạo và thực hành nghệ thuật đông đảo.

Nơi này thường xuyên diễn ra các hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn âm nhạc, hội thảo, chiếu phim, thu hút đông các bạn trẻ và những người yêu văn hóa, nghệ thuật. Có thể kể đến Tổ hợp giải trí đa năng Complex được tái thiết trên nền Nhà máy in Công đoàn cũ, không gian sáng tạo về thiết kế 282 Design, Hanoi Creative City, Ago Hub, Manzi, Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio) thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là những không gian tổ chức trưng bày nghệ thuật với nhiều chủ đề, Ơ kìa Hà Nội là điểm hẹn của những người yêu thích văn hóa nghệ thuật, là không gian lưu giữ những ký ức của Hà Nội thời bao cấp và là câu lạc bộ dành cho người yêu điện ảnh.

Bên cạnh đó là Phố bích họa Phùng Hưng, Không gian đi bộ chung quanh hồ Gươm, Không gian văn hóa nghệ thuật Phúc Tân… thường xuyên diễn ra các sự kiện âm nhạc quy mô, lễ hội âm nhạc, trình diễn nghệ thuật, triển lãm nghệ thuật thị giác. Hà Nội cũng đã xây dựng được nhiều chương trình có tiếng vang với cộng đồng quốc tế, thu hút công chúng và khách du lịch đến tham quan như Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon), Lễ hội đường phố Hà Nội, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, Liên hoan múa rối quốc tế Hà Nội, Con đường gốm sứ Hà Nội, chương trình biểu diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ... là những sản phẩm tiêu biểu của ngành công nghiệp văn hóa.

Từ sự bùng nổ của các không gian sáng tạo của Hà Nội cho thấy nó đã mang đến một đời sống văn hóa tinh thần sôi động, phong phú với nhiều trải nghiệm mới mẻ cho những người yêu văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy sự sáng tạo, trao đổi văn hóa. Tuy nhiên, phần lớn các không gian sáng tạo thuộc sở hữu tư nhân, do cá nhân hoặc một nhóm nghệ sĩ thành lập. Địa điểm chủ yếu đi thuê, mô hình hoạt động tự phát, thiếu hụt nguồn vốn, kỹ năng vận hành, kiến thức sáng tạo, thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền… là những rào cản khiến các không gian văn hóa sáng tạo bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình hoạt động.

Nhìn nhận sự phát triển công nghiệp văn hóa ở 12 lĩnh vực, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Trong 5 năm qua, một số ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, văn hóa du lịch đóng góp vai trò then chốt trong xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia, thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nhiều thương hiệu đủ sức vươn ra thị trường quốc tế.

Đi đầu cả nước trong phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy đang từng bước tạo sức hút từ các sản phẩm công nghiệp văn hóa, sự phát triển của Hà Nội đang tạo động lực cho các thành phố khác như Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Thừa Thiên Huế... chuyển mình mạnh mẽ, phát huy thế mạnh địa phương, tạo ra những sản phẩm văn hóa đặc sắc, đáp ứng mục tiêu có thêm nhiều thành phố sáng tạo thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Cũng như Hà Nội, thành phố Hội An đang xây dựng thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Với nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng được hình thành trên nền tảng chất liệu văn hóa, lịch sử, cộng đồng, Hội An tập trung phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để hình thành các sản phẩm du lịch, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế. Tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh đầy tiềm năng để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, Đà Lạt tràn đầy cảm hứng để xây dựng thành phố âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn…

Tạo cơ chế để phát triển

Tại hội thảo “Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, ý kiến các học giả, các chuyên gia, các nghệ sĩ và người thực hành sáng tạo bàn luận xoay quanh câu chuyện về thể chế, chính sách, giải pháp thực tế và nhận thức về vai trò quan trọng của công nghiệp văn hóa.

Chia sẻ quan điểm về khuôn khổ chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Câu chuyện phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay vẫn là một bài toán khó. Sự chuyển hóa từ chủ trương ra các chính sách cụ thể cho sự phát triển công nghiệp văn hóa chưa có đột phá mạnh mẽ, thiếu vắng các biện pháp thực thi, tạo môi trường pháp lý về bản quyền, dẫn đến nhiều tranh chấp trong một số lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn…

Bên cạnh đó là sự thiếu vắng các cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, đặt ra bài toán khó cho sự phát triển bền vững. Việt Nam chưa có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa, chưa có chính sách cụ thể cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Tiến sĩ Lê Thị Cúc công tác tại Trường đại học Văn hóa cho rằng: Về cả lý luận và thực tiễn, phát triển công nghiệp văn hóa chỉ mới ở giai đoạn đầu, công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn còn là một vấn đề mới mẻ. Nhận thức về giá trị, vai trò của công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Để nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần hoàn thiện các văn bản pháp luật về phát triển văn hóa, nghệ thuật trong cơ chế thị trường, bảo đảm cho công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh.

Hệ thống trường đại học, cao đẳng cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực về công nghiệp văn hóa, mở thêm các chuyên ngành, môn học phổ cập kiến thức công nghiệp văn hóa cho người học. Việc đặt mục tiêu ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% vào tổng GDP năm 2030 trong Chiến lược quốc gia phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho thấy đây là thời điểm cần đầu tư mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Với tiềm năng dồi dào ở tất cả các lĩnh vực, khi có sự đồng bộ về tư duy, nhận thức và giải pháp cụ thể, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, có trọng tâm, kết nối các hoạt động sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật với sản xuất, kinh doanh, tạo nên những giá trị bền vững.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục