Một cuộc tọa đàm về xu hướng nghe podcast và thói quen đọc sách tại Hà Nội.
Podcast là các tệp âm thanh kỹ thuật số có sẵn trên internet và người dùng có thể tải về để nghe trên các thiết bị như máy tính, điện thoại, máy tính bảng,...
Với sự phổ biến và phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, Zalo, TikTok, cùng các ứng dụng nghe podcast thông dụng như Itunes, Spotify, Google podcast, Soundcloud..., sự xuất hiện của podcast đang thay đổi thói quen nghe đọc, góp phần hình thành phong cách giải trí mới.
Trong đó, Spotify trở thành ứng dụng được người sáng tạo nội dung và người nghe podcast yêu thích với hàng trăm chủ đề, nội dung đa dạng từ tài chính, phong cách sống, nghệ thuật đến chia sẻ kiến thức, đọc truyện, định hướng bản thân…
Phát triển mạnh mẽ trong thời gian cách ly xã hội do dịch Covid-19, đến nay, podcast vẫn đang là sự lựa chọn của nhiều người. Không giới hạn khung chương trình phát sóng như radio hay cần một không gian nhất định như dành cho đọc sách giấy, người nghe podcast hoàn toàn chủ động lựa chọn thời gian, nội dung quan tâm hay thậm chí cả giọng đọc yêu thích.
Tận dụng các lợi thế, người sản xuất podcast nhanh chóng tiếp cận người nghe qua việc xây dựng kênh podcast và sáng tạo nội dung. Các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tài chính, kinh tế, chăm sóc sức khỏe... đều được đề cập, phản ánh và chia sẻ.
Nhiều kênh podcast thú vị và bổ ích thu hút lượng người theo dõi rất lớn. Có thể kể đến như Vietcetera đang chạy trên các nền tảng như YouTube, Spotify. Nội dung podcast truyền cảm hứng với chủ đề đa dạng, hiện đại, nắm bắt xu hướng và thời cuộc.
Kênh Vietnam Innovators là những buổi trò chuyện, đối thoại với những chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh; kênh Have a Sip với các thảo luận, chia sẻ về đời sống văn hóa, nghệ thuật, giải trí, phong cách…
Một kênh podcast đang truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ là The Present Writer, người sáng lập là tiến sĩ giáo dục tại Mỹ Nguyễn Phương Chi, đồng thời cũng là một blogger và người viết sách.
Với những đề tài đang được xã hội quan tâm như du học, giáo dục, học tiếng Anh, kỹ năng mềm, du lịch, phong cách sống, podcast của chị đang hằng ngày chia sẻ thông điệp về sống đẹp, về phát triển bản thân và chủ nghĩa tối giản tới cộng đồng người Việt trong nước và quốc tế.
Ghi-đông Radio cũng là podcast truyền cảm hứng tích cực, cân bằng cuộc sống thông qua những câu chuyện về hành trình những người trẻ đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, xoay quanh các chủ đề chất lượng sống, tâm lý và tình yêu. Podcast của Ghi-đông được phát hành hằng tuần trên các nền tảng Spotify, Zing Mp3, Apple Podcast.
Các câu chuyện của Ghi-đông lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ bởi các thông điệp tích cực. Kênh podcast Minh Niệm của nhà sư Thích Minh Niệm, một nhà sư hiện đang tu tập và giảng dạy về thiền tâm lý trị liệu ở Việt Nam, chia sẻ, thuyết giảng, hướng dẫn kỹ năng sống cho sinh viên và phật tử.
Chia sẻ góc nhìn về xu hướng nghe podcast và thói quen đọc sách truyền thống, dịch giả Trịnh Lữ cho rằng: Theo kinh nghiệm của bản thân, khi đọc sách, tôi hiểu theo cái hiểu của mình. Khi đọc từng con chữ, trong đầu là tiếng của chính mình và thông tin nghe bằng chính giọng của mình ngấm rất lâu. Còn nghe podcast là nghe giọng của người khác, tâm lý nghe podcast mang tính chất giải trí, dùng để truyền tải, chia sẻ những thứ nhẹ nhàng.
Với đặc tính tiện lợi, nghe mọi nơi, chủ động lựa chọn thời gian và nội dung muốn nghe, podcast mở ra cơ hội cho các nhà sáng tạo nội dung số. Việc sản xuất podcast tương đối đơn giản nên mỗi ngày đều có những tập podcast mới do cá nhân sản xuất, chủ động chia sẻ, phát hành, quảng bá.
Tuy nhiên, nội dung và chất lượng podcast là yếu tố để thu hút người nghe. Bên cạnh các kênh podcast có giá trị và nội dung, nhiều kênh podcast mang tính giải trí, thông tin không được thẩm định và kiểm duyệt. Vì vậy, sách giấy truyền thống vẫn được nhiều người lựa chọn.
Theo một thống kê, phần lớn người nghe podcast làm việc đa nhiệm, tức là làm nhiều việc cùng một lúc. Vì vậy, tỷ lệ nghe radio cũng như nghe podcast trên các nền tảng tăng lên. Sở hữu kênh YouTube Nhà báo Phan Đăng với 213 nghìn người đăng ký, là người viết và xuất bản khá nhiều cuốn sách, nhà báo Phan Đăng bày tỏ sự đồng cảm với dịch giả Trịnh Lữ về việc đọc sách truyền thống.
Bản chất việc đọc một cuốn sách là người đọc đang đối thoại với tác giả và sâu thẳm là đối thoại với chính mình. Chúng ta có thể vừa nghe sách nói vừa rửa bát, nhưng nếu chỉ nghe bằng tai, chỉ tiếp cận ngoại ngôn mà không có nội ngôn, đối thoại với tác giả hay nội tâm của chính mình để tạo ra những đường hằn trong não, thì đó là một sự đáng tiếc rất lớn.
Chưa khi nào việc tiếp cận thông tin hay tri thức lại rộng mở và thuận tiện như hiện nay. Bên cạnh hệ thống thư viện nhà nước, thư viện tư nhân và các phòng đọc do các cá nhân yêu thích văn hóa đọc mở ra, mỗi chiếc điện thoại thông minh lại là một thư viện di động, cung cấp tri thức mọi lúc, mọi nơi.
Dù đọc truyện, đọc sách hay thưởng thức các tác phẩm văn học, sự phát triển của công nghệ đang mang đến một hình thức tiếp cận tri thức vô cùng năng động và tiện lợi. Sự giao thoa giữa phương pháp đọc truyền thống và cách nghe hiện đại, giữa đọc sách truyền thống và nghe podcast, đều góp phần xây dựng và hình thành thói quen đọc sách, hỗ trợ hiệu quả cho hành trình tiếp cận và tiếp thu tri thức.
Gửi phản hồi
In bài viết