Thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn thiếu nước

- Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành văn bản số 359/UBND-KT ngày 26-1 về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt mùa khô năm 2024.

Theo đó, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất; rà soát, đánh giá tình hình, khả năng ảnh hưởng của hạn đối với sản xuất và đời sống của nhân dân; xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất, thu nhập và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Cán bộ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Hòa An (Chiêm Hóa) kiểm tra tuyến kênh mương tại thôn Nà Lừa.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm, ...) và sản xuất nông nghiệp; tăng cường sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và các cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao.

 Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng nhu cầu.

Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Theo dõi chặt chẽ lịch xả nước của Hồ thủy điện Tuyên Quang, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng bơm nước chống hạn khi cần thiết, trong đó chú trọng giải pháp cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt cho các khu vực, các hộ dân có nguy cơ thiếu nước trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.

 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện phương án phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các đơn vị chuyên môn lập lịch cấp nước, kế hoạch vận hành hệ thống các công trình thủy lợi; thực hiện các biện pháp tưới nước tiết kiệm, phù hợp với nguồn nước và sản xuất của từng địa phương.

Cùng với đó đánh giá tình hình, thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Đài Khí tượng, Thuỷ văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; dự báo, thông báo kịp thời về tình hình thời tiết để các địa phương, ngành biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn đạt hiệu quả.

Tin, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục