Ngày 9-9-1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Nghị định số 359, quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số với nhiệm vụ là: “Nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số (DTTS) trong toàn cõi Việt Nam, để củng cố trên nguyên tắc bình đẳng, sự đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam”.
Trong suốt 77 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Phát huy truyền thống cách mạng, đội ngũ những người làm công tác dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh đã không ngừng nâng cao năng lực, trình độ. Cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Na Hang.
Từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện, triển khai các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Điển hình như Chương trình 135 được thực hiện trên địa bàn 63 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK và 123 thôn đặc biệt khó khăn của các xã khu vực I, II. Tổng số vốn của Chương trình 135 giai đoạn 2008-2020 là gần 993 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 1.030 công trình hạ tầng; hỗ trợ 68 mô hình sản xuất; hỗ trợ cung ứng trên gần 27.200 con giống gia súc, gia cầm, thủy sản; trên 7.500 máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; hỗ trợ kinh phí cho gần 34.600 học sinh con hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn đi học.
Bên cạnh đó, còn thực hiện các chính sách: Hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo giống lúa, ngô; hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư… theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã có gần 373.000 lượt hộ nghèo DTTS được hỗ trợ, tổng nguồn vốn trị giá gần 248 tỷ đồng.
Giai đoạn 2008 – 2021, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện một số chương trình, đề án hỗ trợ phát triển dân tộc thiểu số rất ít người. Theo đó, 2 tuyến đường từ UBND xã Hồng Quang đi thôn Thượng Minh (Lâm Bình); từ ngã ba Pác Hóp đi thôn Nà Luông, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2021. Mỗi tuyến đường có chiều dài 2,3km; bề rộng đường 6,5km, mặt đường rộng 3,5m; tổng mức đầu tư gần 13 tỷ đồng.
Niềm vui của đồng bào DTTS xã Hùng Lợi (Yên Sơn) tại Lễ khởi công Dự án cầu bắc qua sông Phó Đáy đi thôn Bum Kẹm, Khuổi Ma.
Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” được triển khai tích cực tại nhiều vùng đồng bào DTTS trên toàn tỉnh, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng trên. Chính sách đối với người có uy tín trong vùng DTTS tiếp tục được quan tâm, đảm bảo quyền lợi của người có uy tín theo đúng quy định. Từ năm 2011 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu tổ chức bình xét, lựa chọn trên 12.000 lượt người có uy tín tại các thôn bản có trên 30% đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2020, thực hiện hoạt động “3 cùng” theo Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ đồng bào DTTS những việc xuất phát từ nguyện vọng của chính đáng của đồng bào.
Hiện nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 -2025, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục làm nòng cốt, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai chương trình. Với 10 dự án, trên 100 chính sách liên quan đến đồng bào DTTS đang được triển khai, tỉnh ta bước đầu đạt 1 số kết quả nhằm tích cực hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào DTTS, góp phần củng cố niềm tin đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước.
Các chương trình, chính sách được triển khai hiệu quả, đúng đối tượng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vùng DTTS trong tỉnh: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; số hộ nghèo giảm trung bình từ 4-5%/năm; nhiều hộ đã có tích luỹ và mở rộng phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, du lịch dịch vụ. Các công trình cơ sở hạ tầng đầu tư đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện và nâng cao; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh quốc phòng được giữ vững.
Theo đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường giáo dục, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dân tộc nhằm triển khai đầy đủ, hiệu quả về các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc.
Ban Dân tộc tỉnh phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo nguồn lực tài chính; đề xuất cơ chế huy động, lồng ghép các nguồn lực trên địa bàn tỉnh để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc.
Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc chủ động tiếp thu đầy đủ, vận dụng sáng tạo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên trong triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ tỉnh đến cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát chính sách dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Với những nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh trong suốt những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và Cờ thi đua, 3 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và 1 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng nhì.
Gửi phản hồi
In bài viết