Trong thực tế, đã có nhiều người dùng chiêu này để yên thân, mặc thời thế xoay vần. Họ “ngồi im”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, coi đó là cách thức an toàn để “giữ ghế”. Họ lấy lý do là có sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật nên nếu làm sẽ dễ phải hứng chịu trách nhiệm hình sự. Từ đó họ tự tin cho rằng không làm thì không sai, do đó không thể mất chức. Nên có xu hướng “thà đứng trước cuộc họp kiểm điểm, còn hơn đứng trước vành móng ngựa”. Cốt để lo cho bản thân, bo bo giữ ghế.
Hậu quả là đẩy khó khăn cho người dân, tập thể, làm đứt gãy các hoạt động chung, đặc biệt là hoạt động kinh tế, sản xuất; cản trở sự phát triển của đơn vị, địa phương, rộng ra là của cả nước.
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Theo đó, cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ bị tạm đình chỉ công tác. Như vậy, tình trạng “mũ ni che tai”, “ngồi im để an toàn” đã không còn tác dụng.
Nhân dân phấn khởi vì Đảng đã có giải pháp chủ động để ngăn chặn những biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khắc phục việc ùn tắc, đứt gãy trong các hoạt động dân sự, kinh tế - xã hội. Thời hạn để ra quyết định đình chỉ cũng rất nhanh chóng, thay cho quy trình về giáng chức, cách chức, cho thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức vốn nhiều thủ tục và thời gian.
Đây cũng chính là một cách để Đảng khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Gửi phản hồi
In bài viết