Tiêm vắc xin phòng Covid-19 giúp giảm biến chứng và tử vong

Sáng 15-6, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khẳng định, việc tiêm vắc xin, trong đó có vắc xin phòng Covid-19 là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Hiện nay, không có một loại vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ 100%, nghĩa là sau tiêm chủng vắc xin vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm có thể vẫn bị mắc bệnh nhưng bệnh sẽ nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề.


Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân viên y tế Bệnh viện Thanh Nhàn.

Nếu mắc Covid-19 sau tiêm thì bệnh sẽ nhẹ

Theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới, Việt Nam có thể tiếp nhận hơn 1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 từ Chương trình Covax Facility. Ngoài các trường hợp ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP, Chính phủ đã có chủ trương có thể mở rộng thêm nhóm người tiêm như công nhân tại khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố.

Trong quý II-2021, số lượng vắc xin phòng Covid-19 mà Bộ Y tế mua từ AstraZeneca qua Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) có thể được 2 triệu liều. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể được thêm 3 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer. Tuy nhiên, thời gian số lượng vắc xin này chuyển về nước ta có thể thay đổi.

Theo Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiếp nhận được gần 3 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, số lượng vắc xin từ Chương trình Covax Facility gồm 811.200 liều được tiếp nhận từ ngày 1-4 và 1.682.400 liều nhập về từ ngày 16-5. Đây đều là vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca. Ngoài ra, có hơn 400.000 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca khác nằm trong số Việt Nam đã đặt mua trực tiếp 30 triệu liều từ AstraZeneca, thông qua Công ty VNVC.

Tính đến sáng 15-6, tổng số liều vắc xin Covid-19 đã tiêm đợt 1, 2 và 3 tại các tỉnh, thành phố là 1.552.651. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 59.608.

GS.TS Đặng Đức Anh cho rằng, hiện nay không có một loại vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ 100%, nghĩa là sau tiêm chủng vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm có thể vẫn bị mắc bệnh.

Cũng giống như các loại vắc xin giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, vắc xin Covid-19 giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch chống lại vi rút gây bệnh mà không cần nhiễm bệnh. Nghĩa là khi tiêm vào cơ thể sinh ra kháng thể có thể chống lại vi rút.

"Có thể có trường hợp một người bị nhiễm SARS-CoV-2 ngay trước hoặc sau khi tiêm vắc xin. Điều này là do vắc xin chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch. Cụ thể, sau tiêm mũi 1, khoảng 2-3 tuần, cơ thể mới sinh ra kháng thể, sau khi tiêm mũi 2, kháng thể sinh ra đáp ứng tốt hơn so với mũi 1. Do đó, chúng ta vẫn phải tuân thủ đúng phác đồ tiêm bảo đảm đủ 2 mũi", GS.TS Đặng Đức Anh lưu ý.

Ngoài việc giúp cơ thể sinh ra kháng thể chống lại vi rút gây bệnh, vắc xin phòng Covid-19 còn có tác dụng là nếu vẫn mắc bệnh sau khi tiêm thì bệnh cảnh lâm sàng cũng nhẹ đi, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề, từ đó làm giảm gánh nặng cho ngành Y tế. 

GS.TS Đặng Đức Anh dẫn chứng, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các trường hợp nhân viên y tế (đã được tiêm vắc xin) mắc Covid-19 đều không có triệu chứng, trừ 1 người sốt nhẹ. Các nhân viên y tế này vẫn sinh hoạt, thậm chí có thể làm việc bình thường dù đang tiếp tục được cách ly, điều trị. Bệnh cảnh lâm sàng của họ khác so với những bệnh nhân Covid-19 chưa tiêm mũi nào đang điều trị trong bệnh viện này. 

Tỷ lệ tiêm chủng đạt 70-85% sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch

Đối với việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, GS.TS Đặng Đức Anh cho rằng, kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, sau khi tiêm 1 liều vắc xin từ 22 đến 90 ngày vẫn có một số trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, khi nhiễm bệnh, số trường hợp tử vong giảm đến 80% so với nhóm không tiêm chủng. Còn sau khi tiêm 2 mũi vắc xin, số trường hợp tử vong giảm đến gần 100%. Điều này cho thấy, tiêm chủng vắc xin là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh, phòng các biến chứng và tử vong do bệnh gây ra.

"Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng từ 70% đến 85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh", GS.TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để bảo đảm hiệu quả tối đa của vắc xin Covid-19, mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70%-85% để có miễn dịch cộng đồng phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Sau khi tiêm vắc xin, mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (theo thông điệp "5K") để bảo đảm an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng trước đại dịch Covid-19. Tiêm vắc xin Covid-19 là quyền lợi của cá nhân, là trách nhiệm với cộng đồng, khi đến lượt bạn hãy đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin và theo dõi sức khỏe.

Trước đó, ngày 14-6, Bộ Y tế có 2 công văn hỏa tốc gửi các Bộ: Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 4 viện vệ sinh dịch tễ đầu ngành, gồm: Vệ sinh dịch tễ trung ương, Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang về việc khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19.

"Các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức tiêm ngay vắc xin Covid-19 trên địa bàn hoàn thành trước ngày 18-6 để bảo đảm an toàn, không đợi tiêm mũi 2 cho nhóm đã tiêm mũi 1, tăng độ bao phủ tiêm chủng. Cùng với đó, huy động các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng xử trí các trường hợp tai biến nặng sau tiêm, bảo đảm tiêm đến đâu an toàn đến đó", Bộ Y tế nêu rõ.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục