Các diễn giả tại buổi trò chuyện.
Tọa đàm do công ty cổ phần Sách điện tử Waka phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà Văn tổ chức, diễn ra tại nhà xuất bản Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hà Nội), có sự tham gia của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Lữ Mai, nhà thơ Trần Kim Hoa cùng đông đảo độc giả yêu thơ ca.
Trong thời đại phát triển như hiện nay, để thơ ca có thể lan tỏa đến với mọi người, việc sử dụng công nghệ như sách nói, sách điện tử là một trong những phương pháp hiệu quả.
Phát biểu tại buổi chia sẻ, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định rằng chúng ta ngày càng được công nghệ hỗ trợ, chính bản thân ông cũng thấy được sự tiện dụng của sách điện tử, bởi công nghệ cho phép độc giả tải và lưu trữ nhanh chóng bất kỳ tác phẩm thơ ca nổi tiếng nào.
Nhà thơ Trần Kim Hoa tiếp cận với những bài thơ đầu tiên qua Đài Tiếng nói Việt Nam, qua sách, qua báo - là những kênh thông tin truyền thống, có dấu ấn mạnh mẽ. Trong thời đại kỷ nguyên số, nhà thơ cũng thấy được sự tiện dụng của công nghệ, tuy nhiên chị tin rằng lối tiếp cận thơ ca truyền thống vẫn có giá trị nhất định: “Giữa 2 dòng nước truyền thống và hiện đại, truyền thống vẫn có sức mạnh, giúp chúng tôi tiếp cận đường dài, trong khi những công nghệ hiện đại khám phá một phần bản thân mình mà chúng tôi chưa có cơ hội được thử và trải nghiệm”.
Bàn về sáng tác thơ ca trong thời đại mới, nhà thơ Lữ Mai cảm thấy may mắn so với các thế hệ các nhà văn, nhà thơ khác: “Khi tôi bắt đầu sáng tác đã có sự kết nối về công nghệ. Tôi không còn sự tự ti vì giờ đây đã có nhiều phương thức khác nhau để phổ biến tác phẩm của mình đến với độc giả”.
Thời đại công nghệ số đã tạo nhiều cơ hội để các nhà thơ tiếp cận với độc giả, và sự xuất hiện của A.I (trí tuệ nhân tạo) là một bước phát triển mới đối với những nhà thơ thế hệ trước. Tại buổi chia sẻ, các nhà thơ cũng chia sẻ quan điểm của mình về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tác thơ ca.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng công nghệ AI vô cùng kỳ diệu bởi chỉ trong thời gian ngắn và vài dòng gợi ý, AI có thể sáng tác được một tác phẩm hoàn chỉnh, tuy vậy nhà thơ khẳng định AI không thể làm thơ. Đồng tình với suy nghĩ này, nhà thơ Trần Kim Hoa cũng chia sẻ sự tiếp thu của trí tuệ nhân tạo là siêu phàm và rất lợi hại, tuy nhiên chúng ta sẽ không thể trở thành nhà thơ đúng nghĩa nếu lạm dụng chúng.
Để dung hòa giữa truyền thống và hiện đại, nhà thơ Lữ Mai cho rằng: “Chúng ta nên sử dụng một trí tuệ nhân tạo như một công cụ, phải hiểu rằng con người đẻ ra công cụ chứ không phải công cụ chi phối con người”. Nhà thơ khẳng định chúng ta không nên phủ định công nghệ trong thời đại ngày nay, mà nên học cách phản biện, sử dụng một cách thông minh để tìm ra câu trả lời, dấu ấn cá nhân trong phong cách sáng tác của mình.
Sự xuất hiện công nghệ số khiến những giá trị tinh thần trong thơ ca dần bị lãng quên, bởi ngày nay các tác giả trẻ đã làm chủ công nghệ và phần lớn cảm nhận qua màn hình, tương tác. Nhà thơ Trần Kim Hoa mong muốn rằng ngoài sự giúp sức của công nghệ thì thơ vẫn đến công chúng bằng con đường trực tiếp, vẫn có những buổi gặp mặt trực tiếp và giao lưu với độc giả để tất cả mọi người cảm nhận được giá trị tuyệt đối của thơ.
Thời đại công nghệ diễn ra nhanh chóng làm thơ ca mất đi một vài giá trị đáng quý tuy nhiên không thể phủ nhận những mặt tích cực mà công nghệ đem lại trong quá trình lan tỏa nghệ thuật rộng rãi. Buổi chia sẻ cũng tạo động lực cho rất nhiều nhà thơ chưa có cơ hội đến gần với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ, đồng thời để thơ ca ngày được coi trọng, không bị lãng quên hay tầm thường hoá.
Gửi phản hồi
In bài viết