Nhiều công trình di sản tiêu biểu được trùng tu phục hồi
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, lịch sử vùng đất Cố đô Huế đã tạo ra những di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu, đó là một hệ thống quần thể di tích đồ sộ với thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, đài tạ, phủ đệ… cùng với các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc và các thành tố cảnh quan độc đáo gắn liền với các khu di sản.
Ngày 30/5/1992, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định thành lập Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế với nhiệm vụ tham mưu công tác bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích cố đô Huế. Trung tâm hiện có 12 phòng ban, đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ, với gần 700 nhân lực (trong đó có 4 tiến sĩ, hơn 300 người có trình độ đại học và trên đại học).
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn di tích cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả rất quan trọng. Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.
Đến nay, Huế đã có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đó là: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Ông Hoàng Việt Trung cho rằng, gần 30 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (từ năm 1993), với 2 đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể đã có tổng cộng gần 200 công trình và hạng mục công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được bảo tồn tu bổ, phục hồi, tôn tạo; đã di dời hơn 1.800 hộ dân ra khỏi khu vực I bảo vệ các di tích. Tổng mức đầu tư công trình giai đoạn 1996-2021 trên 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nguồn vốn tài trợ quốc tế từ 1993 đến 2020 là trên 8 triệu USD.
Theo ông Trung, quy trình bảo tồn, trùng tu di tích rất nghiêm ngặt, bảo đảm các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế. Nhiều công trình tiêu biểu được trùng tu phục hồi như: Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh (thuộc khu vực Đại nội); điện Minh Thành, điện Gia Thành (lăng Gia Long); lăng Đồng Khánh; Minh Lâu, Điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng); Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung (lăng Khải Định),... và hiện đang tiếp tục trùng tu nhiều công trình quan trọng khác như điện Thái Hòa, điện Kiến Trung, tổng thể cảnh quan lăng Gia Long…
Giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa quý báu
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đồng chí, các nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên, người lao động Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Nhà hát Duyệt Thị Đường; đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả, thành tích của đội ngũ cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát và Trung tâm trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung trong những năm qua.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự ra đời, tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi vùng miền, địa phương. Đảng ta đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cả vật thể và phi vật thể có ý nghĩa rất quan trọng, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài; vừa góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời vừa góp phần quảng bá du lịch, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững sau đại dịch Covid-19”, Phó Chủ tịch nước chia sẻ.
Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, Huế là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; là Cố đô còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc, với mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú, cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm. Huế cũng là nơi có nhiều di tích lưu niệm liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Huế được mệnh danh là vùng đất “1 điểm đến, 5 di sản”; có 169 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Quần thể di tích Cố đô Huế và hệ thống đường Trường Sơn đoạn đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế), 87 di tích cấp quốc gia, 80 di tích cấp tỉnh và 205 công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu.
Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm, mục tiêu: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và đô thị thông minh.
Đến năm 2025 xây dựng Huế trở thành Thành phố trực thuộc trung ương. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu… Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, và trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch nước đã lưu ý cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế; quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới; đặc biệt là ý kiến chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021.
Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại các điểm di tích, tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Huế ở trong nước và quốc tế. Thường xuyên kiểm tra, rà soát tình trạng công trình để có biện pháp xử lý phù hợp, nâng cao giá trị và tuổi thọ của công trình. Phát huy giá trị văn hóa, gắn với phát triển du lịch, phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19.
Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền, lan tỏa tình yêu và trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Huế cho cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ, diễn viên và thế hệ trẻ. Tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và nâng cấp cơ sở dữ liệu về các loại hình nghệ thuật để thuận lợi hơn trong quản lý và khai thác.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mong muốn thời gian tới tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa vô cùng quý báu, trở thành động lực và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Gửi phản hồi
In bài viết