Quang cảnh giao ban báo chí đầu Xuân Giáp Thìn 2024 sáng 20/2. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, các bộ, ban, ngành đoàn thể, cơ quan chủ quản báo chí, cùng nhiều nhà báo lão thành.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu chào mừng Hội nghị.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, khoảng 3 tuần nữa sẽ diễn ra Hội báo toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh và diễn đàn báo chí toàn quốc với sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí tham dự.
Cùng với đó là phát động phong trào thi đua, hướng tới dấu mốc 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; khánh thành Trường Huỳnh Thúc Kháng - Trường dạy làm báo đầu tiên tại Thái Nguyên.
Đồng chí cũng cho biết, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đồng hành bảo vệ bản quyền; đoàn kết, đẩy mạnh dòng thông tin chủ lưu; siết chặt về đạo đức nhà báo trong những thời điểm nhạy cảm.
Phát huy khả năng của mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, những người làm báo cần tăng cường đoàn kết, quyết tâm hơn nữa, chung sức chung lòng phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, tiếp tục xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại trong tình hình mới. Phải chủ động chứ không chờ đợi thụ động.
Cần nhiều hơn bản lĩnh để mỗi cơ quan báo chí đều trở thành cơ quan báo chí tử tế, mỗi người làm báo là người làm báo tử tế. Để cho Đảng, nhân dân yêu quý và bạn bè quốc tế nể phục, nhận được sự tôn trọng của cả xã hội, tạo ra được giá trị, khẳng định thương hiệu cạnh tranh trước các nền tảng truyền thông ngày càng phong phú. Hướng người dân trở về giá trị chân-thiện-mỹ của báo chí chính thống, để người dân đón nhận lại những giá trị cốt lõi này.
Từ nay cho tới đến Đại hội XIV của Đảng cùng những dấu mốc của dân tộc, người làm báo còn rất nhiều việc phải làm, nhiệm vụ đặt ra cho công tác báo chí rất nặng nề, đòi hỏi cao về chất lượng, hiệu quả cả về lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thông tin tuyên truyền. Tuy nhiên, trong thách thức, chúng ta càng phải vươn lên và tạo ra cơ hội để những người làm báo thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm chính trị, sức sáng tạo để có những tác phẩm báo chí chất lượng và hiệu quả.
Để làm tốt nhiệm vụ, người làm báo cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng, không ngừng trau dồi nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ cảm xúc nhiệt thành, ấm cúng khi đến với buổi giao ban của các cơ quan báo chí nước nhà. Đặc biệt trong bối cảnh công tác phối hợp của nhiều lĩnh vực chứ không riêng báo chí còn nhiều điều cần khắc phục.
Từ đó, Phó Thủ tướng mong muốn giữ được sợi dây bền chặt giữa các cơ quan báo chí, tạo dựng mối quan hệ thân ái, hỗ trợ nhau hơn..., vừa tổng hợp sức mạnh của mọi người cũng như hài hòa hơn trong mối quan hệ ràng buộc nhằm phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn. Khi mà diễn biến thế giới khó đoán định với các chiến tranh xung đột, sự thay đổi vị trí của các nhà lãnh đạo thế giới, kinh tế thế giới nói chung cũng suy giảm. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang khó khăn và cần có những thể chế để doanh nghiệp vượt khó. Ngân sách nhà nước còn hạn chế và huy động nguồn lực nội tại của nhân dân chưa phát huy hiệu quả.
Khó khăn sinh ra bất ổn. Người làm báo có trách nhiệm để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, xoa dịu nỗi đau và định hướng lan tỏa những điều tốt đẹp. Thế nhưng, báo chí vẫn cần răn đe những hành vi xấu do khó khăn sinh ra. Kinh phí dành cho báo chí từ ngân sách nhà nước chưa bao giờ đủ, quảng cáo sụt giảm chưa từng có, yêu cầu thông tin ngày càng cao khi vị thế Việt Nam gia tăng, trong khi vừa phải cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng mạng xã hội, chạy theo xu hướng.
Do đó, với những việc khó, cần thay đổi cách suy nghĩ và tiếp cận, phải đối mặt trực tiếp khó khăn, không thể né tránh. Các cơ quan báo chí cần cách làm, tư duy mới để có sản phẩm hấp dẫn và cạnh tranh hơn. Chẳng hạn như trong năm 2023, Truyền hình Vĩnh Long đã có doanh thu từ Youtube là hơn 4 triệu USD khi đã đánh động hiệu quả tới thị hiếu người xem.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần quản lý sản phẩm và nhân sự tốt hơn. Vẫn còn những sai sót thậm chí trong những tờ báo Xuân. Đối với những cơ quan thông tin đại diện chính thống, chuẩn mực để đối chiếu thì sai sót là không chấp nhận được.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh về những cơ chế tài chính nhằm giúp tháo gỡ khó khăn của cơ quan báo chí.
Công tác báo chí đạt nhiều kết quả khả quan
Đồng chí Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu tại hội nghị.
Trình bày nhận xét báo chí Tết nguyên đán 2024, đồng chí Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, các chủ đề nổi bật trên ấn phẩm báo Tết, báo Xuân, chương trình Tết là các chủ đề: Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước vững vàng vượt qua thử thách, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, niềm tin khát vọng của đất nước.
Bao trùm các ấn phẩm Tết là khát vọng, niềm tin, sự tự hào vào ý chí, cốt cách của dân tộc, quyết tâm xây dựng nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Nhiều chương trình, ấn phẩm nêu bật về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những câu chuyện về Người tiếp tục là đề tài lớn được nhiều cơ quan báo chí khai thác; nhiều bài viết cảm động về Người - một tấm gương đạo đức mẫu mực, một tình cảm gần gũi, gắn bó máu thịt với nhân dân; Những câu chuyện gắn với Bác và mùa Xuân.
Các bài viết về thành tựu của các cấp, các ngành, những kết quả quan trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ XIII của Đảng. Nhiều bài viết đề xuất các giải pháp thiết thực với tinh thần chung sức, đồng lòng, đoàn kết, trách nhiệm để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ khóa XIII. Các báo cũng nêu đậm nét về công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là trường phái “ngoại giao cây tre” Việt Nam.
Các từ khóa như "hóa rồng", "thời cơ", "vượt vũ môn", "rồng bay"… là những từ khóa được nhiều cơ quan báo chí sử dụng nhiều. Nhóm chủ đề lớn về văn hóa, phong vị Tết dân tộc, Tết với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều chương trình tái hiện Tết xưa thể hiện sống động phong vị Tết.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các cơ quan báo chí phản ánh đậm nét thông tin Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành chăm lo Tết cho nhân dân, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; không khí lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu tháng, đầu năm.
Một nhóm chủ đề lớn khác đó là các trang văn nghệ, chương trình phát thanh truyền hình xuân. Đặc biệt nhấn mạnh sự gắn bó đồng hành của văn nghệ sĩ với nhân dân, trong công cuộc chấn hưng và phát triển văn hóa đất nước.
Đồng chí Tống Văn Thanh cũng cho biết, dịp Tết Giáp Thìn 2024 có 224 cơ quan báo chí ra số đặc biệt, 130 cơ quan báo và 94 cơ quan tạp chí. Các cơ quan báo chí chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về tăng trang, đổi khổ, gộp số. Chất lượng các ấn phẩm Tết khá tốt.
Về thông tin đối ngoại, đồng chí Phạm Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhận định đôi nét về dư luận báo chí nước ngoài trong năm 2023. Từ đó cho thấy sự lạc quan về triển vọng kinh tế, đánh giá cao tính năng động của Việt Nam. Báo chí nước ngoài cũng quan tâm tới cuộc chiến chống tham nhũng và công tác bảo vệ công dân. Qua đó, đánh giá Việt Nam đã chủ động với quan hệ đối ngoại, chú trọng chiến lược về công tác ngoại giao.
Gửi phản hồi
In bài viết