Tiếp xúc, đối thoại: Giải quyết việc nóng từ cơ sở

- Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân là một trong những biện pháp hiệu quả để rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với dân. Thông qua tiếp dân, cán bộ lãnh đạo nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và tạo được niềm tin trong Nhân dân, góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Nghiêm túc từ cấp cơ sở

Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, hằng tháng, người đứng đầu cấp ủy ở mỗi địa phương đều thực hiện công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Ngoài việc tiếp dân theo Quy định số 11-QĐi/TW, người đứng đầu cấp ủy còn chú trọng đối thoại theo chuyên đề, đột xuất hoặc nhóm đối tượng. Trong đó, tập trung lựa chọn vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích, đời sống và sinh hoạt của người dân để đưa vào chương trình đối thoại.

Những ngày cuối năm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn lần đầu tiên tiếp công dân các huyện Yên Sơn, Hàm Yên bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh đến các điểm cầu huyện Yên Sơn, Hàm Yên. Đây một trong những điểm mới trong công tác tiếp công dân của tỉnh trong bối cảnh cải cách hành chính và chuyển đổi số đang ngày càng đi vào cuộc sống. Tiếp công dân bằng hình thức trực tuyến tạo thuận lợi cho công dân và lãnh đạo các huyện không phải đi đến Trụ sở Tiếp công dân tỉnh; tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí. Việc tiếp công dân trực tiếp hoặc trực tuyến đều bảo đảm việc giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh lắng nghe ý kiến của Hợp tác xã ngay tại các buổi gặp gỡ trực tiếp.

Theo Thanh tra tỉnh, năm 2023, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thực hiện 537 lượt tiếp công dân với 537 người, 522 vụ việc. Trong đó, tiếp thường xuyên 314 lượt với 314 lượt người, 299 vụ việc; thủ trưởng tiếp 1.015 kỳ, 168 lượt với 168 lượt người, 168 vụ việc; Ủy quyền tiếp 33 kỳ, 55 lượt với 55 lượt người, 55 vụ việc.

Năm 2023, UBND thị trấn Yên Sơn tổ chức 18 lượt tiếp công dân và 6 cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND thị trấn với người dân. Đồng chí Hoàng Trung Thông, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Sơn cho biết, do địa bàn mới lên đô thị, các vấn đề xoay quanh lĩnh vực đất đai, môi trường tương đối phức tạp và nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Đơn cử như chuyện cấp quyền sử dụng đất. Tại các cuộc họp, đối thoại, tiếp xúc, người dân nêu ý kiến về việc chậm cấp quyền sử dụng đất. Khi tiếp xúc, đối thoại, nguyên nhân là do người dân chỉ đề nghị và chờ cơ quan chuyên môn đến đo đạc mà “quên” không thực hiện các trình tự liên quan như nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Bộ phận Một cửa UBND thị trấn.

Hay như việc xây dựng nhà. Nếu như từ ngày 1-7-2021 trở về trước, khi còn là xã Thắng Quân, việc người dân cơi nới, xây dựng nhà cửa trên đất ở nông thôn và vị trí đất không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được miễn giấy phép xây dựng. Nhưng  khi trở thành đô thị, phải xin ý kiến, thẩm định của chính quyền thị trấn. Mặt khác, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng phải theo quy trình, quy định. Nhu cầu xây dựng nhà ở của Nhân dân trong những năm qua tăng cao, trong khi nhiều diện tích đất ở của Nhân dân thị trấn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến khó khăn trong việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở. Người dân vẫn theo tư duy cũ khi còn ở nông thôn nên việc tự ý xây dựng các công trình vẫn diễn ra… Chính qua các buổi tiếp xúc, đối thoại, đã giúp người dân thông tỏ được quyền và nghĩa vụ của mình.

Chủ tịch UBND thị trấn Yên Sơn Hoàng Trung Thông cho biết, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân là việc làm rất cần thiết. Chính tâm lý cởi mở, thoải mái của cả người đối thoại và người được đối thoại đã mở ra rất nhiều vấn đề. Năm 2023, tại thị trấn Yên Sơn, số lượng đơn thư không giảm, nhưng vụ việc phức tạp được giải quyết tăng lên. Nhiều cá nhân, sau khi được đối thoại, tuyên truyền, giải thích đã tự nguyện rút đơn. Với những kết quả này, UBND thị trấn Yên Sơn đã xây dựng kế hoạch đối thoại, tiếp xúc cho cả năm 2024, trong đó, ngoài đối thoại, tiếp công dân định kỳ tại trụ sở UBND thị trấn, sẽ có các cuộc đối thoại trực tiếp đến các thôn, tổ dân phố để nắm bắt, định hướng.  

Giải quyết việc “nóng”, việc khó

Đồng chí Khánh Thị Xuyến, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, việc tổ chức đối thoại, tiếp công dân là trách nhiệm của  người đứng đầu. Thông qua tiếp xúc, đối thoại, nhiều vụ việc phức tạp kéo dài đã được giải quyết.  Hết năm 2023, trong số 77 vụ việc UBND tỉnh giao, đã tham mưu, giải quyết xong 50 vụ việc. Trong đó, đơn vị đã giải quyết xong 100% vụ việc gồm Sở Tài nguyên và Môi trường (5/5 vụ việc), UBND huyện Lâm Bình (4/4 vụ việc), UBND huyện Sơn Dương (8/8 vụ việc), UBND huyện Na Hang (2/2 vụ việc).

Thanh tra tỉnh cũng tiến hành khảo sát công tác tiếp công dân tại các sở, ngành, địa phương. Qua tổng hợp phiếu khảo sát, các đơn vị đều bố trí Nơi tiếp công dân thuận lợi, đảm bảo các điều kiện cho công tác tiếp công dân; ban hành Nội quy tiếp công dân đúng quy định; niêm yết Nội quy tiếp công dân, các thủ tục hành chính về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Nơi tiếp công dân. Đa số các đơn vị đã thực hiện công khai đầy đủ thông tin về việc tiếp công dân theo quy định. 1/6 đơn vị cấp huyện  (thành phố Tuyên Quang) đã ban hành Quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân. Các đơn vị đánh giá công dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về tiếp công dân.

Tuy nhiên, theo đồng chí Khánh Thị Xuyến, để công tác tiếp công dân, đối thoại giữa người đứng đầu các đơn vị, địa phương ngày càng hiệu quả, cán bộ tiếp công dân phải được đào tạo và có trình độ nghiệp vụ giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức về tâm lý xã hội và am hiểu pháp luật, biết cách ứng xử, giao tiếp với công dân. Đồng thời biết tóm tắt, nhận định sự việc một cách chính xác, xử lý các tình huống linh hoạt. Vì trên thực tế, hiện tại các địa phương, ban tiếp công dân vẫn hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đồng thời, sau khi tiếp dân, ban tiếp công dân địa phương cần kết hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra và cơ quan chuyên môn khác trong việc xử lý đơn thư và đề xuất thụ lý. Đảm bảo sự thông suốt, trôi chảy và thống nhất ngay từ đầu đến khi kết thúc quá trình giải quyết vụ việc.

Đối thoại, tiếp công dân  là cầu nối trực tiếp, hữu hiệu nhất để lãnh đạo chính quyền, cán bộ nhà nước gần và sát dân hơn. Qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, công dân, hạn chế phát sinh “điểm nóng” trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.       

Bài, ảnh: Nguyễn Đạt

Tin cùng chuyên mục