“Kể chuyện khoa học” (Sci-Tales) là bộ sách truyện tranh khoa học dành cho các em nhỏ ở độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi.
Tác giả, Thạc sĩ Hoàng Anh Đức vốn là là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục EdLab Asia. Anh ấp ủ ý tưởng về một bộ truyện khoa học dành cho trẻ em Việt Nam (mà anh chơi chữ, đặt tên là Sci-Tales) từ lâu. Anh và các cộng sự chọn hình thức kể chuyện với tranh minh họa, để bố mẹ đọc cùng con và giải thích cho con, đồng thời con cũng có thể đọc cho bố mẹ nghe.
Bộ sách được viết giải thích các hiện tượng khoa học cho trẻ thật dễ hiểu, gần gũi và được minh họa sinh động bằng những nét vẽ ngộ nghĩnh, hóm hỉnh của nữ họa sĩ trẻ Lộc Linh. Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng cho biết, có thể nói đây là bộ sách truyện tranh khoa học cho thiếu nhi đầu tiên do người Việt Nam viết và vẽ tranh minh họa (ở thế loại Picture book/Ehon).
Bộ truyện “Kể chuyện khoa học” (Sci-Tales) gồm 6 cuốn, gọi chung là Tủ sách Tò mò, gồm “Tại sao phải rửa tay?”, “Tại sao nước biển mặn?”, “Lửa đến từ đâu?”, “Máu chảy thế nào?”, “Cá có ngủ không?”, “Cầu vồng đi đâu?”. Bộ sách được trình bày song ngữ Việt-Anh, giúp bé mở rộng vốn từ.
Điều đặc biệt là bộ sách được tác giả Hoàng Anh Đức xây dựng nên từ những cuộc trò chuyện với cô con gái nhỏ của mình. Cô bé ở độ tuổi mẫu giáo, rất tò mò và háo hức khám phá thế giới chung quanh mình, đã đặt ra rất nhiều câu hỏi cho bố. Và từ những câu hỏi-trả lời của hai bố con, anh đã ghi lại và dần dần hình thành ý tưởng tạo nên bộ sách. Thí dụ, “Cá có ngủ không?” ra đời từ sau một buổi tối hai bố con nói chuyện về việc tắt đèn cho bạn cá đi ngủ, nhưng cô bé nói “Con thấy bạn cá vẫn mở mắt, vậy bạn ấy có ngủ không?”.
Hoặc “Tại sao phải rửa tay?” xuất phát từ thói quen rửa tay trong những tháng ngày dịch Covid-19 bùng phát. Bộ sách được tác giả Hoàng Anh Đức viết dành tặng cho con gái trong suốt quãng thời gian hai năm Covid-19 2020-2021 và trong cả một chặng đường dài anh cùng chơi, cùng học và cùng đọc sách với con.
Tác giả Hoàng Anh Đức chia sẻ, quan điểm của anh về việc hướng con đọc sách là cha mẹ phải đọc cùng con, chứ không phải là đọc sách cho con nghe. “Đọc cùng con là cả cha mẹ và con cùng tương tác với sách và tương tác với nhau. Chẳng hạn cha mẹ vừa đọc vừa hỏi con, hoặc khuyến khích bé kể lại câu chuyện”. Theo anh, cha mẹ cần lắng nghe con, có thể không trả lời hết câu hỏi của con, nhưng hãy để cho trẻ thấy mình được lắng nghe. Sau này, khi lớn hơn, trẻ có thể dựa vào các từ khóa trong sách để tự tìm kiếm thêm thông tin. Ở độ tuổi từ 3-6 tuổi, trẻ có nhu cầu hỏi rất lớn. Nhu cầu này giảm dần vào năm 10 tuổi trở đi, và đến lứa tuổi 15-16 tuổi bắt đầu giảm mạnh.
Tác giả cũng cho biết, anh mong muốn đây là khởi đầu của một dòng truyện tranh khoa học dành cho thiếu nhi của Việt Nam. Trong thời gian tới, anh ấp ủ ý định làm bộ sách hướng dẫn giáo viên và học sinh nâng cao sức khỏe tinh thần trong mùa dịch, vốn đã rất được quan tâm, chia sẻ nhiều khi anh và cộng sự up lên mạng, cũng như tiếp tục làm sách "Kể chuyện khoa học" về các loài động vật, thực vật...
Bộ truyện được minh họa bằng những nét vẽ hết sức dễ thương của họa sĩ trẻ Lộc Linh. Giám đốc Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, chị Khúc Thị Hoa Phượng cho biết, bộ sách dành cho lứa tuổi mầm non, tiểu học, cho nên tranh minh họa cần có sứ liên kết với nội dung sách, có sự trong sáng, người vẽ phải yêu và hiểu được tâm lý trẻ nhỏ. Tranh minh họa của bộ “Kể chuyện khoa học” có cả sự trong sáng đáng yêu của trẻ nhỏ. Chia sẻ về những bức vẽ, họa sĩ Lộc Linh cho biết, chị dùng những điều thường ngày, đời thường nhất để tạo nên một cuộc phiêu lưu của các nhân vật trong bộ sách.
Giám đốc Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, chị Khúc Thị Hoa Phượng cho biết, ở Việt Nam rất hiếm các tác giả viết sách khoa học cho trẻ em, phần lớn là sách dịch, được mua bản quyền từ các nhà xuất bản nước ngoài. Với bộ sách này, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam hy vọng sẽ gieo vào lòng các em nhỏ tình yêu khoa học từ bé, cũng như một quan điểm mới về đọc sách cho phụ huynh, đó là “đọc sách cùng con”.
Gửi phản hồi
In bài viết