Vốn vay giải quyết việc làm là một trong những nguồn vốn tín dụng chính sách đang được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai trên địa bàn tỉnh. Thông qua nguồn vốn này đã giúp hàng nghìn lao động được tạo việc làm ngay tại gia đình, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo tại địa phương.
Anh Nông Văn Tuyên, thôn Bản Bon, xã Phúc Yên (Lâm Bình) chia sẻ, trước đây, để có vốn trang trải chi phí nhập hàng hóa, nhiều lúc anh phải vay bên ngoài với lãi suất khá cao. Đầu năm 2022, anh được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm để đầu tư mở rộng cửa hàng cơ khí, nhôm, kính, sắt. Nguồn vốn đã thực sự giúp gia đình anh thêm động lực đầu tư trang thiết bị máy móc, tạo việc làm cho bản thân anh và 1 lao động tại địa phương.
Nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Yên Hoa (Na Hang) được vay vốn để phát triển kinh tế.
Chị Nguyễn Thị Chút, thôn Cả, xã Công Đa (Yên Sơn) đang hoàn thiện ngôi nhà mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Sơn. Không giấu được niềm vui, chị Chút chia sẻ, tháng 5-2023, vợ chồng chị được giải ngân lần 1 cho vay 250 triệu đồng từ nguồn vốn vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai.
Nếu không được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi này gia đình chị cũng chưa dám nghĩ tới chuyện xây nhà, bởi mới đi làm trong cơ quan Nhà nước, cuộc sống của hai vợ chồng trẻ còn rất nhiều khó khăn. Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ rất phù hợp với những người có thu nhập thấp, vốn vay không chỉ giúp vợ chồng chị “an cư lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống mà còn tạo thêm quyết tâm, động lực để làm việc, tích góp trả nợ, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, hiện nay chương trình tín dụng chính sách đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều có thể tiếp cận nguồn vốn vay. Theo ông Vũ Thế Anh, tính ưu việt của các chương trình tín dụng chính sách là hồ sơ vay vốn đơn giản, thời gian cho vay dài, lãi suất cố định trong suốt thời gian vay. Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng được tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.
Ngoài tập trung các chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, Nhà nước khuyến khích người dân tham gia hoạt động tín dụng cho vay làm nhà, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng sản xuất, vay trang trải chi phí học tập góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn.
Gửi phản hồi
In bài viết