Toạ đàm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của dân tộc Mông

- Chiều 29-11, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức toạ đàm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh.

 

 

 

Các đồng chí: Nguyễn Hưng Vượng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Tăng Thị Dương, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì toạ đàm. Tham dự toạ đàm có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các đại biểu tiêu biểu đại diện dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tại buổi toạ đàm.

Tuyên Quang có hơn 21.000 người Mông sinh sống tập trung tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Na Hang, Yên Sơn và Hàm Yên. Trong những năm qua, cùng với dân tộc khác, đồng bào dân tộc Mông luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc, nhất là việc cưới, việc tang.

Hiện nay, việc tổ chức lễ cưới, lễ tang của dân tộc Mông vừa kế thừa truyền thống phong tục, tập quán, mang bản sắc riêng vừa được cải biến ngày càng vǎn minh phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một số phong tục, tập quán ở một số nơi còn lạc hậu gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc. Những tác động tiêu cực đó làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

Đại biểu xã Kiến Thiết (Yên Sơn) phát biểu tại buổi toạ đàm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý, cách làm hay, những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn. Đồng thời, đề ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả, nhằm loại bỏ những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong tổ chức việc cưới, việc tang, góp phần thúc đẩy Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu.

Các đại biểu cũng thống nhất, cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền giữ gìn văn hoá truyền thống dân tộc Mông, như trang phục, tiếng nói, dân ca và nhạc cụ; nâng cao trình độ dân trí; giảm thời gian khi tổ chức đám cưới, đám tang; không tổ chức ăn uống linh đình, không uống rượu, hút thuốc lá trong đám tang; không ly hôn, tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng đề nghị, thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp cần phối hợp với các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Phát huy vai trò của những người uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc Mông. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố và các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư, nhất là những quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Cùng với đó chú trọng xây dựng các câu lạc bộ, các mô hình điểm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông để từ đó nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. 

Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục