Tỏa sáng nghĩa đồng bào

- Gần 2 năm dịch Covid-19 diễn ra, cả nước phải trải qua thời gian khó khăn, căng mình chống dịch. Chung tay cùng cả nước, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa kịp thời hỗ trợ người dân ở cả trong và ngoài tỉnh gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Qua đó, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Những tấm lòng nhân ái

Dịch bệnh hoành hành, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, cuộc sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn. Với tinh thần “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, người dân đã cùng nhau góp sức, giúp đỡ những người yếu thế vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ tiền mặt và hàng trăm tấn hàng hóa, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm giúp đỡ những người yếu thế, tiếp sức cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Người dân vẫn chưa quên hình ảnh những ngày đầu tháng 9-2021, nhiều chuyến xe thiện nguyện chở hàng trăm tấn sản phẩm nông sản của địa phương để ủng hộ nhân dân Hà Nội những ngày giãn cách xã hội. Từ những củ măng rừng, những nải chuối, bí, ngô, rau củ... đã được bà con các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình góp lại để gửi về thủ đô. Ông Bàn Quốc Hữu, thôn Nà Coóc, xã Bình An (Lâm Bình) đã ngoài 70 tuổi, gia đình mới thoát diện hộ nghèo năm 2020, cuộc sống chưa phải đã hết khó khăn, nhưng khi nghe MTTQ địa phương phát động ủng hộ, ông đã lựa chọn những buồng chuối to nhất ở vườn, lên rừng hái những củ măng tươi với mong muốn được san sẻ một phần khó khăn với đồng bào trong dịch.

  Các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủng hộ Chương trình phòng, chống dịch Covid -19 và tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch.

Hay như anh Trần Văn Giang, thôn Gia Cát, xã Phú Lương (Sơn Dương) đã dùng số tiền 10 triệu đồng tiết kiệm của gia đình để ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Anh còn tặng 4 máy đo thân nhiệt, trị giá trên 3,2 triệu đồng cho xã Phú Lương để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, đến nay, số tiền vận động, tiếp nhận được qua Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh là trên 24 tỷ đồng của các tập thể, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp. Ngoài ra, nhân dân đóng góp trên 617 tấn lương thực, thực phẩm, nông sản trị giá trên 8 tỷ đồng để ủng hộ các địa phương vùng dịch. Có thể thấy, hơn lúc nào hết, tình yêu thương, nghĩa đồng bào của những người dân vùng quê cách mạng Tuyên Quang đã kết thành sức mạnh to lớn, động viên, cổ vũ tất cả người dân thêm mạnh mẽ, kiên cường vững vàng vượt qua dịch bệnh.

Những ngày đầu tháng 11-2021, khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp tại các huyện Na Hang, Lâm Bình, các địa phương, đơn vị, cá nhân đã ngay lập tức có các hoạt động hỗ trợ, ủng hộ cho công tác chống dịch. Hàng tỷ đồng tiền mặt, cùng những thùng mỳ tôm, chăn ấm, khẩu trang, nước sát khuẩn đã được nhanh chóng chuyển đến Lâm Bình, Na Hang để hỗ trợ chống dịch. Đồng chí Ma Phúc Sơn, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lâm Bình chia sẻ, những phần quà ý nghĩa, kịp thời của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã góp phần chia sẻ với người dân vùng cao trong những ngày khó khăn do đại dịch.   

Đường về quê ấm nghĩa đồng bào

Những ngày đầu tháng 10-2021, khi các tỉnh thành phía Nam nới lỏng các hoạt động giãn cách, hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh về quê đi qua địa phận tỉnh. Trải qua hành trình hàng nghìn km, có những người đã đuối sức, những người đã không còn đủ tiền, thực phẩm để đi tiếp hành trình. Tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức đón và có các hoạt động giúp đỡ người dân đi qua địa phận an toàn.

 

Tại các cửa ngõ vào tỉnh, các lực lượng chức năng đã phân luồng, hướng dẫn nơi dừng nghỉ, hỗ trợ các suất cơm miễn phí, những suất bánh mỳ, sữa, nước để công dân sử dụng trên hành trình tiếp theo. Sau đó, lực lượng chức năng hỗ trợ dẫn đường, vận chuyển công dân và phương tiện bị hư hỏng qua địa phận, bàn giao cho tỉnh lân cận. Việc hỗ trợ được phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo an toàn trong phòng dịch.

Những chiếc bánh mỳ, những suất cơm ăn vội đủ để chúng tôi cảm thấy rất ấm áp và nhiều năng lượng. Chúng tôi sẽ nhớ mãi sự cưu mang này của đồng bào Tuyên Quang. Có thể tôi sẽ ở lại quê nhà, lại vất vả nhưng bình yên với nương với rẫy, cuộc sống có thể sẽ nhọc nhằn hơn. Không biết còn dịp nào được trở lại đây không, tôi xin cảm ơn và sẽ nhớ mãi sự giúp đỡ của tỉnh Tuyên Quang - Chị La Thị Mẩy, ở huyện Su Phì (Hà Giang) xúc động chia sẻ.

Không ai bị bỏ lại phía sau

tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương rà soát số lượng người dân ở các tỉnh miền Nam có nhu cầu trở về quê để tổ chức đón công dân của tỉnh trở về. Qua rà soát tỉnh đã thực hiên đón 373 công dân có hoàn cảnh khó khăn về bằng đường sắt (về đến ga Phú Thọ) sau đó được xe của các huyện, thành phố đón về khu cách ly của các huyện, thành phố. 

Cùng với việc tổ chức đón công dân trở về an toàn, các địa phương trong tỉnh cũng triển khai các biện pháp để hỗ trợ, giúp người lao động tiếp cận phát triển sản xuất, sớm ổn định cuộc sống. 

Báo Tuyên Quang trao quà hỗ trợ huyện Lâm Bình phòng, chống dịch Covid-19.

Chị Đinh Thị Thanh Tuyền, thôn Khuôn Hang, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) chia sẻ, chị vào Bình Dương làm việc cho Công ty may mặc tại Khu Công nghiệp Sóng Thần 3 được hơn 2 năm, thu nhập được 8 triệu đồng mỗi tháng. Khi xuất hiện dịch Covid-19, Công ty tạm dừng sản xuất, nên chị không có việc làm, không có thu nhập, vì vậy chị quyết định về quê. Tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp nên chị quyết định sẽ ở lại quê nhà cùng chồng tập trung vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản và phát triển kinh tế rừng.

Một mùa xuân mới đang về, cuộc chiến cam go chống virus vô hình vẫn đang tiếp tục với những quyết sách sát sao, sự đồng lòng tin tưởng của nhân dân. Trong nguy khó, nhiều nghĩa cử cao đẹp đang được nhân lên từng ngày, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Và ở mảnh đất Tuyên Quang thân yêu, ai ai cũng tin rằng sẽ còn nhiều nghĩa cử đẹp, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần cùng cả nước sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19. Đẹp thay hai tiếng “đồng bào”!.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục