Chung sống an toàn
Chung sống an toàn với dịch Covid-19, nới lỏng nhưng không lơi lỏng trong phòng, chống dịch, đó là thông điệp cũng là mục đích đang được chính quyền và mỗi người dân ghi nhớ, thực hiện với quyết tâm giữ vững địa bàn xanh.
Với mục tiêu đảm bảo luôn luôn có “2 lớp áo bảo vệ địa bàn”, vai trò của các chốt kiểm soát ra vào tỉnh và tổ Covid-19 cộng đồng được phát huy cao độ. Thành phố Tuyên Quang - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả tỉnh cũng đã qua những ngày căng mình để giữ an toàn. Thành quả chống dịch, một phần có được nhờ chính sự chung tay của các tổ Covid-19 cộng đồng. Ông Nông Quốc Sự, tổ trưởng tổ Covid-19 tổ 6 phường Ỷ La cho biết, dù trong thời điểm “nóng” hay khi đã được kiểm soát, các thành viên trong tổ vẫn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, đảm bảo kiểm soát tốt mọi tình huống có thể xảy ra. Ông bảo, giờ chuyển sang thích ứng an toàn rồi, mình càng phải nâng cao trách nhiệm, vì chậm chừng nào, nguy cơ cho chính mình, cho khu dân cư nơi mình ở càng lớn chừng đó.
Toàn tỉnh có 2.350 tổ Covid cộng đồng, với trên 7.000 thành viên tham gia tại 138 xã, phường, thị trấn. Sau khi được thành lập các tổ đã giúp thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các xã, thị trấn truy vết, rà soát các trường hợp đi từ vùng có dịch về địa phương, người từ nước ngoài về địa phương…
Một trong những hoạt động bị ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch Covid-19 là du lịch và dịch vụ. Ngay khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhiều địa phương trong tỉnh đã tái khởi động các hoạt động du lịch, dịch vụ.
Anh Nông Văn Nga, quản lý Homestay Khuổi Nhi, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm cho biết, homestay bắt đầu nhận được các lịch đặt hàng của các đoàn khách trong tỉnh từ cuối tháng 9. Vật dụng không thể thiếu ngay trước bậc cầu thang dẫn lên nhà sàn là dung dịch sát khuẩn, nhiệt kế và mã quét QR-Code. Trung bình mỗi tuần, lại có 1 - 2 đoàn khách đến lưu trú. Anh Nga cho biết, mặc dù sức chứa khách lưu trú của homestay là 40 người/đợt, nhưng anh cũng chỉ dám nhận những đoàn khách nhỏ, dao động từ 10 - 15 người để đảm bảo các quy định an toàn về phòng chống dịch.
Vững vàng về đích
Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời điểm giữa năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, thì việc tính toán điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu đã được tính đến. Tuy nhiên, với quyết tâm giữ vững “vùng xanh”, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân phát triển, các chỉ tiêu đã giao từ đầu năm vẫn được giữ nguyên.
Với mọi nỗ lực của các lực lượng liên quan trong việc giữ vững vùng xanh, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, giảm mọi vướng mắc trong thực hiện các thủ tục của doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh năm 2021 vẫn có mức tăng ổn định. Nhiều địa phương, doanh nghiệp không những hoàn thành mục tiêu mà còn thực hiện vượt kế hoạch.
Nhà máy May LGG Tuyên Quang sản xuất vượt kế hoạch năm.
Sơn Dương, địa phương cửa ngõ của cả tỉnh, những ngày dịch bùng phát vừa phải căng mình chống dịch, vừa phải giữ nhịp phát triển. Sơn Dương cũng như tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh áp dụng linh hoạt các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Số chốt kiểm soát giảm từ 21 xuống còn 15 chốt, nhưng nhiệm vụ phòng chống dịch không vì thế mà lơ là. Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, trong năm 2021, mặc dù khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng trên địa bàn huyện vẫn thu hút được thêm 2 dự án công nghiệp là Nhà máy chế biến rau củ quả đông lạnh và Nhà máy sản xuất gia công các sản phẩm cơ khí. Một số nhà máy mới như Nhà máy Giày da Phúc Sinh, Nhà máy Giày da Chung Jye, Nhà máy tai nghe Future of sound vina, Nhà máy sản xuất vải bạt nhựa PE, Nhà máy sản xuất và kinh doanh các loại bao bì PP container đi vào hoạt động.
Đồng chí Hoàng Anh Cương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương cho biết, từ giữa năm 2021, khi một số doanh nghiệp gặp khó về đầu ra và nhập nguyên liệu đầu vào, ngành Công thương đã trực tiếp làm việc, cùng lắng nghe, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Đồng thời, kết nối với nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh trong việc tiêu thụ các sản phẩm trong tỉnh. Ngay trước mùa thu hoạch cam sành, Tập đoàn Masan, Bưu điện tỉnh và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Nutifoods đã ký kết hợp đồng tiêu thụ khoảng 16 nghìn tấn.
Nhiều doanh nghiệp khắc phục khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất, như Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ngoài nhà máy tại Cụm công nghiệp Thắng Quân, từ cuối năm 2021, Nhà máy chế biến gỗ Chiêm Hóa của doanh nghiệp này tại Cụm công nghiệp Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) với dây chuyền chế biến gỗ xuất khẩu với quy mô 29.000 m2 cũng đã bước vào công đoạn cuối cùng và sẵn sàng tuyển dụng nhân sự. Nhiều doanh nghiệp hoàn thành vượt kế hoạch năm như Công ty TNHH MTV Seshin VN2 đã hoàn thành 13,5 triệu sản phẩm, đạt 150% với kế hoạch năm; Công ty May Yên Sơn đã sản xuất 930 nghìn sản phẩm, đạt 155% kế hoạch năm; Công ty cổ phần Giấy Tuyên Quang sản xuất 2,8 nghìn tấn sản phẩm, đạt 115% kế hoạch năm...
Chung sống linh hoạt, an toàn, thích nghi để phát triển khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Tuyên Quang khép lại một năm thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Tỉnh đã sẵn sàng bước vào một năm mới, với khí thế mới!
Gửi phản hồi
In bài viết