Vì sao văn học, nghệ thuật Việt Nam tuy đã có thành tựu rất đáng ghi nhận, biểu dương, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn còn ít tác phẩm đỉnh cao, ít văn nghệ sĩ lớn, có tầm cỡ như những giai đoạn trước kia? – Câu hỏi được PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo cho thấy rõ trăn trở và cần được sự góp ý, phân tích, trao đổi của các đại biểu, văn nghệ sĩ, đại diện các cơ quan quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật để tìm câu trả lời.
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu.
Theo PGS.TS Đỗ Hồng Quân, hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương nhìn lại hai năm giới văn học, nghệ thuật thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong đó, Tổng Bí thư nêu rõ: “Những thành tựu của văn học nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước; chất lượng chưa hài hòa với số lượng; chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến tâm huyết về những yếu tố cơ bản góp phần làm nên những tác phẩm hay trong thời kỳ hiện nay. PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, trong điện ảnh cũng như các lĩnh vực văn học, nghệ thuật khác, rất khó để xác định được tác phẩm hay, bởi có nhiều ý kiến trái chiều. Lấy ví dụ về bộ phim “Đất rừng phương Nam” hay phim “Em và Trịnh” và một số bộ phim doanh thu chiếu rạp hàng trăm tỷ đồng khác, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cho biết: “Có những bộ phim đề tài bình thường nhưng gần gũi và chạm đến vấn đề của đời sống; khán giả đi xem rất đông và bán tán sôi nổi về phim. Nhưng một số người trong nghề lại phản ứng rằng phim chưa xứng đáng, chưa đạt các tiêu chí về nghệ thuật. Trong khi, có những phim được tôn vinh, đoạt nhiều giải thưởng nhưng khi chiếu rạp thì chỉ có một vài người xem. Phim không đến được khán giả thì dù có cao siêu, nghệ thuật, công phu cỡ nào thì cũng chưa thể là tác phẩm hay”, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú bày tỏ.
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, việc hướng tới tác phẩm để đời là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đó phải là tác phẩm hay với nhiều người ở các lứa tuổi khác nhau, với nhiều người ở các thời đại khác nhau, đồng thời, tác phẩm phải có tính nhân văn về nội dung, giá trị nghệ thuật.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, trong thời điểm hiện nay, phải đổi mới tư duy sáng tạo, phương pháp sáng tác văn học, nghệ thuật mới tạo nên tác phẩm hay. Muốn vậy, văn nghệ sĩ phải gần với đời sống, bám sát cơ sở, phát hiện vấn đề mới, tích lũy kiến thức, sáng tạo theo phương pháp mới. Điều này cũng cần có sự ủng hộ, khuyến khích của các cơ quan quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật; các tổ chức hội chuyên ngành…
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cùng cho rằng, để có tác phẩm hay trước hết và quan trọng nhất là từ thôi thúc sáng tạo của chính bản thân văn nghệ sĩ. Cùng với đó là công tác quản lý, hỗ trợ văn nghệ sĩ, tập trung vào việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng; tôn vinh lao động nghệ thuật đích thực, đề cao những tác phẩm công phu, tâm huyết; hoàn thiện các chế độ, chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ; kiến tạo môi trường xã hội, văn hóa thuận lợi để văn nghệ sĩ khởi nghiệp, phát triển tài năng; tạo lập uy tín, thương hiệu nghề nghiệp đẳng cấp quốc gia, vươn tầm khu vực và thế giới...
Gửi phản hồi
In bài viết