Tổng tấn công hàng giả

- Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi ngoài thị trường, trở thành nỗi ám ảnh với người tiêu dùng. Không thể chỉ là người tiêu dùng thông thái khi các sản phẩm làm giả, làm nhái được ngụy trang như hàng thật, lực lượng quản lý thị trường đang chia nhiều mũi, tổng tấn công hàng giả từ các trang bán hàng Online đến các cửa hàng cửa hiệu.

Phát hiện vi phạm từ… Livestream

Mặc dù được nhận định là địa bàn nhỏ lẻ, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dưới hình thức thương mại điện tử chủ yếu là sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook để livestream bán hàng, thị trường hàng hóa trên không gian mạng không sôi nổi, nhưng trên thực tế, đây lại là môi trường khó phát hiện và khó xử lý.

Ngày 10-6, khi bất ngờ kiểm tra cửa hàng của Nguyễn T.Đ, trú tại xã Thái Hòa (Hàm Yên), Đội Quản lý thị trường số 2 đã phát hiện nhiều sản phẩm quần áo thời trang mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng số hàng hóa tịch thu trị giá gần 61 triệu đồng. Trước đó, chủ cửa hàng này thường xuyên sử dụng mạng xã hội để livestream bán hàng và chốt đơn trực tiếp ngay trên mạng xã hội.


Lực lượng quản lý thị trường niêm phong, thu giữ hàng giả nhãn hiệu tại một cửa hàng thuộc xã Thái Hòa (Hàm Yên).

Ngày 1-4, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh) đã bất ngờ đột nhập kho hàng của Vũ Kim D., trú tại xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), bắt quả tang, thu giữ hàng trăm sản phẩm là mỹ phẩm, nước hoa các loại trị giá gần 50 triệu đồng có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa và cũng không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Vũ Kim D. khai nhận, toàn bộ số hàng hóa trên đều được mua lại của một người không rõ lai lịch sau đó rao bán trên mạng thông qua hình thức livestream bằng nhiều tài khoản Facebook, Zalo. Sau khi “chốt đơn” sẽ chuyển phát nhanh hoặc giao cho “shipper” vận chuyển cho người mua.

Đây là 2 trong số 8 vụ vi phạm mua bán hàng hóa qua mạng xã hội được Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang phát hiện, xử lý trong 6 tháng đầu năm. Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hoàng Văn Hùng cho biết, sự phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội trên nền tảng Internet, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử phát triển khá nhanh và mạnh mẽ. Việc giao dịch trên mạng giữa người bán và người mua chỉ thông qua một cái “click” chuột là có thể ngồi nhà nhận hàng. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở kinh doanh lợi dụng để bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Theo ông Hùng, việc phát hiện và xử lý các vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử rất khó khăn, vì các đối tượng thường sử dụng nhiều tài khoản trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Có đối tượng còn tinh vi hơn, sử dụng phần mềm “lậu” để đánh tráo địa chỉ IP (địa chỉ để nhận biết một người khi tham gia mạng internet) nhằm trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng. Nhiều chủ cơ sở không có địa chỉ trực tiếp mà kho hàng chủ yếu đi thuê, lại thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong công tác quản lý địa bàn. Hiện, ngoài nghiệp vụ chuyên môn, cán bộ Cục Quản lý thị trường phải tự trau dồi, cập nhật kiến thức về công nghệ thông tin để nâng cao trình độ phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.


Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh thu giữ nhiều phụ tùng xe máy giả nhãn hiệu nổi tiếng.

Nhiều vi phạm về hàng lậu, hàng giả

Trong số 133 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa do Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang phát hiện, xử lý, có 38 vụ kinh doanh hàng nhập lậu và 11 vụ kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngày 22 - 6, Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra thu giữ gần 1.000 sản phẩm là phụ tùng xe máy như bugi, lọc dầu, lọc xăng, dây coroa, đĩa phanh, ty giảm sóc giả nhãn hiệu Honda, Yamaha trị giá gần 20 triệu đồng tại một cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy trên địa bàn TP Tuyên Quang. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ, hóa đơn chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên. Đáng chú ý, cửa hàng này có kho riêng, tách bạch với cửa hàng nên lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với điều tra viên của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh trinh sát, theo dõi để bắt quả tang. Vụ việc trên, ngoài việc xâm phạm nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ, còn ẩn chứa nguy cơ gây mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm tính mạng cho người điều khiển xe gắn máy nếu không được lực lượng Quản lý thị trường ngăn chặn kịp thời hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu này.

Ngày 23-6, qua kiểm tra cửa hàng của Đỗ Thanh H., thị trấn Sơn Dương, Đội QLTT số 5 phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh tiến hành kiểm tra, thu giữ lô hàng gồm hơn 300 thiết bị vệ sinh trị giá gần 30 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Chủ cơ sở khai nhận do hám lợi nên mua số hàng hóa trên của một người không rõ lai lịch đi xe tải, không rõ biển kiểm soát.

Trước đó, ngày 22-3, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, vật tư điện nước của Nguyễn Anh Đ., trú tại phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang). Qua kiểm tra, phát hiện 1.200 lô gạch ốp lát do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nói trên.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 133 vụ vi phạm về kinh doanh thương mại, thu nộp ngân sách nhà nước trên 1,3 tỷ đồng. Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hoàng Văn Hùng cho biết, mặc dù hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh không có điểm nóng nổi cộm, tuy nhiên, theo nhận định, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại vẫn sẽ có diễn biến phức tạp. Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung kiểm tra, xử lý và ngăn chặn các hành vi này, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội, qua đó ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.  

Bài, ảnh: Nguyễn Đạt

Tin cùng chuyên mục