Trải nghiệm mới ở bảo tàng, khu di tích

Với mong muốn thu hút ngày càng nhiều đối tượng du khách, nhất là giới trẻ tới tham quan, học tập, một số bảo tàng, khu di tích đã nỗ lực phát huy sáng tạo để có những sản phẩm giúp gia tăng trải nghiệm của khách. Đây không chỉ là hướng đi giúp lan tỏa, phát huy giá trị của các bảo tàng, di tích cùng hiện vật lưu giữ, mà còn là cách thức hữu hiệu giúp tạo nguồn thu để phục vụ công tác bảo tồn, duy trì hoạt động của bảo tàng, khu di tích theo hướng bền vững.

Các em nhỏ trải nghiệm chơi ghép tranh hình mặt trống đồng khi tham gia tour “Thanh âm Đồng Cổ” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Gần đây, khi đến với Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội, du khách trẻ tuổi sẽ được tham gia vào hành trình kỳ thú “Đi tìm linh vật trên các kiến trúc cổ” thiết kế dưới dạng trò chơi trên ipad.

Trò chơi gồm sáu cửa tương đương với sáu kiến trúc của di tích là: Tứ trụ, cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, Khuê Văn Các, cổng Đại Thành và nhà Bái Đường. Ở mỗi cửa, nếu nhận diện và lựa chọn đúng đáp án về ý nghĩa của các linh vật trên các công trình kiến trúc, đội chơi sẽ được đến với cửa tiếp theo; nếu trả lời sai phải lựa chọn lại đáp án cho đến khi chính xác.

Đội nào qua được tất cả các cửa trong thời gian nhanh nhất sẽ chiến thắng. “Đi tìm linh vật trên các kiến trúc cổ” được thiết kế phù hợp cho bốn nhóm độ tuổi từ bốn đến 15 tuổi và từ 16 tuổi trở lên với các mức độ từ dễ đến khó. Điều thú vị là để tham dự trò chơi, người chơi vừa phải thao tác trên ipad, vừa phải di chuyển tới các công trình kiến trúc để quan sát và nhận diện các nhân vật mới có thể trả lời câu hỏi. Thời gian qua, trò chơi này đã thu hút được nhiều lớp học sinh đăng ký tham gia trải nghiệm, qua đó các em không những có thể nhận diện, biết được ý nghĩa của các linh vật mà còn hiểu hơn về các công trình kiến trúc ở khu di tích.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng tập trung đầu tư xây dựng ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Ứng dụng được tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR hoặc mã số định danh tác phẩm. Hơn cả một ứng dụng thuyết minh tự động thông thường, iMuseum VFA có những tính năng vượt trội như cho phép xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm; đọc nội dung bài giới thiệu; xác định vị trí hiện vật; xem sơ đồ hệ thống trưng bày; phân biệt các phòng đã, đang và chưa tham quan bằng màu sắc...

Chỉ với chiếc điện thoại di động hoặc máy tính bảng có kết nối internet và trả phí tải ứng dụng, khách tham quan có thể tự do khám phá 100 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trực tiếp và trực tuyến với nhiều lựa chọn ngôn ngữ: tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha, Italia, Đức.

Dựa trên hệ thống iMuseum VFA, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang xây dựng nhiều tour theo chủ đề như “Tranh sơn mài Việt Nam” hay “Bảo vật quốc gia”... giúp du khách có thể dễ dàng tiếp cận và “trò chuyện” với những hiện vật của bảo tàng theo cách mới.

Đáng chú ý, khi đề cập danh sách những bảo tàng năng động trong thu hút khách, không thể không nói tới Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Không chỉ là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ xây dựng những tour tham quan ảo, bảo tàng còn thường xuyên kết hợp với các hãng lữ hành để xây dựng những sản phẩm du lịch khám phá các giá trị văn hóa lịch sử, như: tour “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, “Bác Cổ-Mùa hoa gạo”, gần đây là tour đêm “Thanh âm Đồng Cổ”...

Theo Thạc sĩ Đường Ngọc Hà (Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám), mối liên hệ giữa hiện vật trưng bày và cách thức tham quan, học tập trong bảo tàng đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Đó là sự chuyển dịch từ nhận biết về trải nghiệm văn hóa như một dạng thông tin mà bảo tàng lưu giữ và chuyển giao cho khách tham quan, sang một thứ có thể được thảo luận, chia sẻ. Trải nghiệm đáng nhớ được tạo ra luôn có sức thu hút mạnh mẽ bởi không chỉ mang lại cho du khách kiến thức mà còn cả kỹ năng và cảm xúc.

Để mang đến những trải nghiệm đa dạng, ấn tượng, không thể không nói đến sự tham gia của công nghệ. Bà Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho rằng: Trong bối cảnh cách mạng 4.0, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao vào hoạt động trưng bày, triển lãm là một trong những phương pháp không thể thiếu của các bảo tàng tiên tiến.

Đặc biệt, xu hướng trưng bày diễn giải kết hợp tương tác hiện nay đang trở thành xu hướng phổ biến của thế giới. Trong đó, cách thiết kế kiến trúc kết hợp cảnh quan, không gian trưng bày được nghiên cứu kỹ lưỡng để thể hiện thông điệp thống nhất và xuyên suốt, đem lại nhiều cảm xúc cho người xem. Có thể nâng cao những trải nghiệm mới cho khách tham quan bằng các hình thức diễn giải khác nhau thông qua các ứng dụng tương tác, hoặc kết hợp giữa hiện vật thật và hình ảnh thiết kế phù hợp, từ đó giúp người xem cảm nhận được sự liên hệ giữa nhận thức cá nhân với những gì xem được.

Có thể nói, không thiếu những giải pháp công nghệ để làm gia tăng sự tương tác giúp đa dạng hóa trải nghiệm của du khách đối với bảo tàng, khu di tích. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công nghệ chỉ là phương tiện, quan trọng là phải có ý tưởng, có tài nguyên nội dung sâu sắc và có nguồn lực để thực hiện. Do đó, các bảo tàng, di tích cần tập trung phát triển đội ngũ nguồn nhân lực yêu nghề, có hiểu biết sâu sắc về di sản, giàu năng lực sáng tạo; đồng thời có cách thức phù hợp kêu gọi các nguồn lực về kinh tế, công nghệ để cùng tạo ra những sản phẩm tương tác hấp dẫn.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục