“Trái ngọt” trên hành trình giảm nghèo ở Sơn Dương

- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024, huyện Sơn Dương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực. Huyện tập trung nguồn lực hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế để giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn chủ động vươn lên thoát nghèo; góp phần giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực, địa phương và các nhóm dân cư trên địa bàn.

Diện mạo cơ sở hạ tầng ở huyện Sơn Dương đang thay đổi tích cực.

Linh hoạt nhiều giải pháp phù hợp

Xác định có việc làm chính là “chìa khóa” quan trọng để giảm nghèo hiệu quả, chính quyền các cấp và phòng chuyên môn của huyện Sơn Dương đã linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ hộ nghèo như: tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức; tạo việc làm, đào tạo nghề; hỗ trợ kinh phí làm nhà ở; cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất …

Tết Nguyên đán này, gia đình chị Hầu Thị Thuận, thôn Lãng Nhiêu, xã Phú Lương, phấn khởi hơn những năm trước vì đã được ra khỏi diện hộ nghèo. Chị Thuận cho biết, năm 2023, nhờ được vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đầu tư chăn nuôi lợn và trồng rừng. Mỗi lứa lợn gia đình bán thu được hơn 15 triệu đồng. Mỗi năm từ bán keo chị thu lãi hơn 30 triệu đồng. Đặc biệt, vừa qua chị được Nhà nước hỗ trợ 2 con trâu sinh sản từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giờ đã sắp đẻ.

Trao tặng bò cho người nghèo xã Đông Thọ.

Chị Thuận chia sẻ: “Hỗ trợ giống vật nuôi, vốn vay ưu đãi và tập huấn khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo là rất thiết thực, giúp chúng tôi biết cách chủ động sản xuất, nâng cao thu nhập”.

Thôn Lãng Nhiêu có 171 hộ, 99% là đồng bào dân tộc Cao Lan. Năm 2023, thôn  có 16 hộ nghèo (chiếm 9,3%). Đến cuối năm 2024, hộ nghèo thôn giảm còn 11 hộ (chiếm 6,4%). Anh Nịnh Văn Lễ, Bí thư Chi bộ Lãng Nhiêu cho hay, địa phương tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị kinh tế gia đình. Cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn thường xuyên tổ chức tuyên truyền về công tác đưa người lao động đi nước ngoài, cung cấp nhu cầu tuyển dụng của các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh để người dân tìm hiểu, tìm kiếm việc làm. Qua đó, nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống người dân.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, người dân xã Đông Lợi có điều kiện phát triển kinh tế.

Đối với xã Đại Phú, kết quả giảm nghèo trong năm 2024 cũng rất đáng ghi nhận với 66 hộ được ra khỏi diện nghèo và cận nghèo. Hiện, hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 210 hộ, chiếm 7,3%. Ông Lê Hồng Hà, Bí thư Đảng ủy xã Đại Phú cho biết, trên cơ sở các chương trình MTQG, đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững, chúng tôi ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát… để tạo sinh kế cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vươn lên. Ngoài ra, việc quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn, nhất là về giao thông, kênh mương thủy lợi cũng là tiền đề quan trọng cho người dân, trong đó có người nghèo thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập.

Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, các cấp, ngành, địa phương của huyện Sơn Dương đã quan tâm hỗ trợ, triển khai các cơ chế, chính sách với hộ nghèo và cận nghèo kịp thời, đầy đủ. Huyện tăng cường huy động nguồn lực thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Lại Thế Tuyên, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lương  nêu quan điểm: Với các chương trình MTQG triển khai trên địa bàn, chúng tôi không thực hiện một cách dàn trải mà tập trung hỗ trợ có trọng điểm. Hằng năm, xã tổ chức rà soát kỹ và xác định hoàn cảnh cụ thể từng hộ nghèo, cận nghèo để có hình thức hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh nguồn lực từ cấp trên, địa phương giao cho các tổ chức đoàn thể của xã và thôn thường xuyên động viên, giúp đỡ người nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Năm 2024, xã Phú Lương còn 113 hộ nghèo (giảm 33 hộ so với năm 2023).

Cán bộ, công chức xã Đại Phú hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát.

“Các chương trình hỗ trợ đã không còn dàn trải, mà tập trung vào từng đặc thù của địa bàn thôn, ưu tiên những trường hợp có ý thức và khả năng thoát nghèo” Ông Tuyên nói.

Đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo tại Sơn Dương đã giảm còn 11,85%, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,55 triệu đồng/năm. Năm qua, Sơn Dương đã được ghi nhận là địa phương kéo giảm mạnh số hộ nghèo, với hơn 3.200 hộ thoát nghèo (tương đương 6,42%), gần gấp đôi so với kế hoạch. Hiện, huyện có gần 6.000 hộ nghèo.

Theo đánh giá của  Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Sơn Dương, quá trình triển khai các Chương trình MTQG tại huyện gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của các cấp chính quyền nhằm thu hẹp khoảng cách về đời sống kinh tế - xã hội giữa đồng bào DTTS và các vùng kinh tế phát triển, huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bộ, tạo điều kiện để Nhân dân ở các xã khó khăn có thêm động lực phấn đấu vươn lên. Nguồn vốn từ các Chương trình MTQG, đặc biệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững  đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn; hàng nghìn hộ dân đã thoát nghèo nhờ những chính sách thiết thực từ Chương trình này.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đồng bào Mông ở xã Đông Thọ có điều kiện phát triển kinh tế.

Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện xác định tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp và vận dụng nhiều nguồn lực để hỗ trợ, tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo. Mục tiêu là chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang giảm nghèo theo chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc; đổi mới công tác dạy nghề, tạo việc làm, sinh kế, giảm nghèo bền vững và khuyến khích làm giàu chính đáng.

Huyện Sơn Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững, tránh tái nghèo, đảm bảo người dân có việc làm ổn định, thu nhập ngày càng tăng.

 Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục